Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Nghệ thuật truyền thống và những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị ở Ninh Bình

22/10/2019

Nghệ thuật truyền thống đặc biệt là hát Chèo, hát Văn, hát Xẩm, ca Trù đã ra đời từ rất lâu, nó thấm đẫm, nuôi dưỡng đời sống tinh thần của người dân Ninh Bình nói riêng và khu vực Đồng bằng Bắc bộ nói chung. Đến nay, các loại hình nghệ thuật này đã trở thành tài sản tinh thần vô giá mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Giai điệu của các loại hình Nghệ thuật truyền thống rất phù hợp với giọng tự nhiên và ngôn ngữ của người Việt, được hình thành bắt nguồn từ các sáng tác văn học dân gian ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ là chủ yếu. Ngoài ra, loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc có sức sống lâu bền, độc đáo và phổ biến vì đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, giáo dục và có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của nhân dân, đặc biệt là sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại các vùng nông thôn hiện nay.

Trải qua thời gian và những thay đổi của đời sống xã hội, vốn nghệ thuật truyền thống đã có lúc, có nơi bị mai một, những câu hát Xẩm, những làn điệu Chèo cổ vắng bóng trong cuộc sống của giới trẻ ngày nay.

 Tiết mục hát Văn của CLB NTTT huyện Kim Sơn

Để góp phần bảo tồn, phát huy loại hình Nghệ thuật truyền thống nói chung và tạo sân chơi lành mạnh cho các cá nhân yêu thích, đam mê loại hình nghệ thuật độc đáo này trong những năm qua những người yêu nghệ thuật truyền thống ở Ninh Bình được sự ủng hộ của chính quyền các cấp đã thành lập được nhiều Đội, Câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống. Theo số liệu thống kê mới nhất năm 2018 của Sở Văn hóa và Thể thao, trên địa bàn toàn tỉnh có 209 CLB, Đội văn nghệ trong đó cấp tỉnh có 6 CLB (305 hội viên); cấp huyện có 203 CLB (3.125 hội viên). Tại nhiều địa phương đã tổ chức tốt các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ văn nghệ quần chúng theo định kỳ và kết hợp biểu diễn chào mừng các ngày lễ, ngày hội của địa phương và đất nước như: Hội làng, ngày Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, ngày Quốc phòng toàn dân, ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, mừng Đảng, mừng Xuân … nhằm định hướng, nâng cao trình độ cảm thụ văn hóa nghệ thuật và đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Ngoài những người là nòng cốt về hát, múa thì CLB đã hội tụ được các cây nhạc cần có trong biểu diễn loại hình Nghệ thuật truyền thống như: đàn Nguyệt, đàn Đáy, Nhị, Sáo, đàn Bầu và Trống… Trong các buổi tập luyện và biểu diễn các nhạc công còn sử dụng thêm mõ, sênh và thanh la tạo sự hòa quyện trong âm nhạc cổ truyền.

 Tiết mục hát Xẩm của huyện Yên Mô

       Các CLB, Đội văn nghệ thành lập Ban chủ nhiệm và xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể theo tháng, quý, năm để tiếp tục mở rộng hoạt động, thu hút nhiều thành viên tham gia. Thông qua các buổi sinh hoạt các thành viên có thể trao đổi kinh nghiệm về đàn, hát, múa, cách dàn dựng hay phương pháp để tổ chức các chương trình  nhằm thỏa mãn những đam mê sở thích cá nhân, xua tan những mệt mỏi, tạo không khí vui tươi phấn khởi sau những ngày lao động vất vả. Không những thế, đây còn là hoạt động thiết thực và ý nghĩa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

       Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các CLB, Đội văn nghệ và tạo điều kiện để các đội giao lưu học hỏi những kinh nghiệm, làm lan rộng phong trào bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, Sở Văn hóa, và Thể thao đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, các ngành, các cấp tổ chức thành công nhiều cuộc Hội diễn NTQC, Hội thi, Giao lưu, Liên hoan VNQC như Liên hoan các CLB Chèo, xẩm hàng năm. Năm 2019, tại Hội thi văn nghệ, thể thao các xã nông thôn mới lần thứ nhất, các tiết mục Nghệ thuật truyền thống chiếm đến 75% tổng số các tiết mục tham gia phần thi văn nghệ… Tại các huyện, các xã cũng tổ chức được các hội thi, hội diễn nhằm kết giữa các xã, các CLB tạo phong trào thi đua rộng khắp ở cơ sở.

 Hai tiết mục hát Văn, hát Chèo của huyện Kim Sơn  và Yên Khánh tham gia Hội thi Văn nghệ, Thể thao các xã nông thôn mới tỉnh Ninh Bình lần thứ 1

       Với sự đam mê nhiệt huyết của các thành viên, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, các ngành các Câu lạc bộ, Đội văn nghệ sẽ ngày càng phát triển về chất và lượng, thực sự xứng đáng là nòng cốt trong phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng tại các địa phương. Bên cạnh đó, loại hình nghệ thuật truyền thống luôn được bảo tồn, lưu giữ và phát triển, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc  dân tộc.

 

Đàm Hoa - PGĐTTVHT