Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Môi trường văn hóa lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Ninh Bình - thực trạng và giải pháp

17/06/2022

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam có nền văn hóa đa dạng mang bản sắc riêng, một trong những nét đặc trưng trong văn hóa dân tộc Việt phải kể đến chính là Lễ hội với tư cách là di sản văn hóa phi vật thể, là sản phẩm tinh thần của con người được hình thành và phát triển trong đời sống của nhân dân, được trao truyền từ đời này qua đời khác gắn liền với lịch sử phát triển của cộng đồng, địa phương hay rộng hơn là quốc gia, dân tộc. Mỗi lễ hội có nét đặc trưng riêng và chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa cao đẹp, đậm đà bản sắc của một cộng đồng, một vùng miền. Bản chất của lễ hội là hoạt động sinh hoạt văn hóa tinh thần mà ở đó cộng đồng dân cư đóng vai trò là chủ thể. Những sinh hoạt cộng đồng này giúp con người có nhiều sự kết nối hơn, vun đắp thêm tình làng, nghĩa xóm, tình yêu quê hương, cội nguồn, mang tới sự lạc quan, tạo động lực cho con người thanh lọc tâm hồn, hướng tới những mục đích sống tích cực, cao đẹp.

Ở Việt Nam, lễ hội tồn tại và phát triển với những loại hình đa dạng như: lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội có nguồn gốc nước ngoài. Trong đó, lễ hội truyền thống được biết đến nhiều hơn cả nhờ quá trình hình thành và phát triển lâu đời, gắn liền với sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Lễ hội truyền thống (bao gồm lễ hội tại các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội dân gian) là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Mỗi lễ hội truyền thống đều mang một giá trị nhất định, là nền tảng gắn kết cộng đồng với nhau tạo nên sự cân bằng trong đời sống tinh thần của nhân dân và là nơi sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, từ đó làm giàu, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Thông qua các hoạt động lễ hội, môi trường văn hóa được hình thành và phát triển với nhiều giá trị mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như ý thức về cội nguồn, tổ tiên dân tộc, tưởng nhớ các anh hùng dân tộc,...; ý thức về đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Có thể nói, môi trường văn hóa lễ hội truyền thống chính là nơi cộng đồng lưu giữ, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa của dân tộc. Với những phong tục tập quán, những nghi lễ, tập tục được tiếp nối, môi trường văn hóa lễ hội truyền thống là một trong những phương thức để củng cố mối liên hệ bền chặt giữa các thành viên trong cộng đồng, tạo lập giữ gìn phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức, nếp sống, lối sống tốt đẹp; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của quần chúng Nhân dân. Do vậy, việc xây dựng, gìn giữ môi trường văn hóa lễ hội truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết.

Lễ hội Đền Thái Vi (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư)/ Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Theo thống kê của ngành Văn hóa, tỉnh Ninh Bình có 243 lễ hội, trong đó, 242 lễ hội truyền thống và 01 lễ hội văn hóa. Đặc biệt có 02 lễ hội truyền thống được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Lễ hội Hoa Lư (năm 2014) và Lễ hội Làng Bình Hải (năm 2022). Có 01 lễ hội do cấp tỉnh, 11 lễ hội do cấp huyện và 231 lễ hội do cấp xã chỉ đạo tổ chức. Các lễ hội trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lễ hội làng, thôn, bản với quy mô nhỏ, tập trung vào dịp đầu xuân (từ tháng 01 đến hết tháng 03 âm lịch với 180 lễ hội), thời gian tổ chức ngắn (từ 1 đến 1,5 ngày), thu hút sự tham gia chủ yếu của người dân trong địa bàn thôn, xóm, bản, xã, phường, thị trấn nơi có di tích và lễ hội.

Cũng như hầu hết các lễ hội truyền thống của Việt Nam, các lễ hội truyền thống ở Ninh Bình bao gồm 2 phần: phần nghi lễ và phần hội. Phần nghi lễ truyền thống do nhân dân địa phương thực hiện trang trọng, linh thiêng và thành kính, nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đồng thời là hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc; thường có các nghi lễ: Lễ mở cửa đền, Lễ mộc dục (Lễ tắm tượng, Lễ bao sái), Lễ tiến phẩm, Lễ dâng hương, Tế lễ (tế đồng quan, tế nam quan, tế nữ quan, tế thánh, tế mẫu…..), Lễ tạ. Phần hội có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần, sinh hoạt của người dân như: Hát Xẩm, Hát Chèo, Hát Chầu văn, Hát Ca Trù, Trống nhảy, Múa trống, Cồng Chiêng, hát Đúm, Sắc bùa, múa sạp, Hát giao duyên tiếng Mường, giai điệu Mường xưa… và những trò chơi dân gian: cờ người, cờ tướng, chọi gà, cờ bỏi, tổ tôm điếm, kéo co, bơi chải, đua thuyền, đập niêu, kéo chữ, thi diễn tích... Các hoạt động phần hội được tổ chức có sự kết nối nhuần nhuyễn với các nghi thức phần lễ tạo ra không khí vui tươi, lành mạnh trong không gian của lễ hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lễ hội truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa con người và vùng đất Cố đô.

Tế lễ tại Lễ hội Đền Thái Vi (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư)/ Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Nhận thức rõ tầm quan trọng của xây dựng môi trường văn hóa nói chung, môi trường văn hóa lễ hội nói riêng, nhất là lễ hội truyền thống trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền toàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo phát triển văn hóa với trọng tâm gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong đó có lễ hội. Công tác quản lý nhà nước về lễ hội được tăng cường. Việc chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội, nhất là thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội luôn được quan tâm đưa vào nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Các lễ hội được tổ chức cơ bản diễn ra an toàn, lành mạnh, trang nghiêm mang đậm nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Các lễ hội được tổ chức trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đều đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, đặc biệt là tuân thủ các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội. Xây dựng, lắp đặt nội quy bảo vệ, các bảng, biển chỉ dẫn di tích, lễ hội; quy định hạn chế việc thắp hương, đốt vàng mã; quy định nghiêm việc rước kiệu, ngự kiệu, rước nước, rước lửa…đảm bảo không để xảy ra tình trạng gây ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân và du khách đặt tiền lễ, tiền giọt dầu, công đức có mệnh giá nhỏ đúng nơi quy định, bố trí lực lượng gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời, đảm bảo tính tôn nghiêm nơi thờ tự; bố trí hợp lý khu vực kinh doanh dịch vụ, đảm bảo giá cả, chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; bố trí, sắp xếp, quản lý bãi đỗ xe hợp lý; bổ sung thêm các thùng rác, các công trình vệ sinh công cộng, bảo đảm vệ sinh môi trường trong và sau lễ hội.

Lễ rước kiệu Đền Đức Thánh Nguyễn (huyện Gia Viễn)/ Ảnh: Xuân Lâm

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, việc xây dựng một môi trường văn hóa lễ hội tại tỉnh Ninh Bình vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Thực tế tại một số lễ hội mục đích tôn vinh văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chưa được coi trọng đúng mức; việc tổ chức lễ hội còn nặng hình thức, phô trương; có nơi còn xem nhẹ nội dung giáo dục truyền thống, văn hóa; ở một số lễ hội nội dung, hình thức tổ chức đã có sự khác biệt so với nguồn gốc ban đầu, bị pha tạp, lai căng; việc thực hiện các quy định về thủ tục đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội chưa được thực hiện đầy đủ; hiện tượng ăn mày, ăn xin, xóc thẻ, xem tướng vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội…Tất cả những điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến giá trị và ý nghĩa của lễ hội, tạo nên mặt trái trong môi trường văn hóa lễ hội, nhất là lễ hội truyền thống.

Nhằm tăng cường thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lễ hội truyền thống, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức, nếp sống, lối sống tốt đẹp của dân tộc, tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đồng thời chủ động đề ra phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền nhất là chính quyền cấp huyện, xã trong quản lý và tổ chức lễ hội. Phát huy vai trò của Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội. Chấn chỉnh để công tác tổ chức lễ hội truyền thống mang đúng ý nghĩa và giá trị vốn có, trong đó đặc biệt lưu tâm đến việc gìn giữ những nghi lễ cổ truyền, phân biệt rõ ràng đâu là tín ngưỡng văn hóa dân gian, đâu là mê tín dị đoan. Coi trọng tính đặc thù, tính độc đáo riêng của mỗi lễ hội gắn với đặc trưng văn hóa truyền thống của mỗi vùng, miền, khu vực, tránh làm đồng loạt dẫn đến sự nhàm chán, rập khuôn.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách trong thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Thứ ba, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong tổ chức và tham gia các hoạt động của lễ hội nhằm tôn vinh và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương; hạn chế bớt sân khấu hóa dẫn đến các lễ hội “na ná” nhau, không nhấn mạnh được đặc trưng vốn có, thậm chí còn làm “biến dạng” lễ hội truyền thống.

Thứ tư, cần hướng tới loại bỏ các tiêu cực, tệ nạn, đẩy mạnh một số dịch vụ giải trí lành mạnh tại nơi diễn ra các lễ hội truyền thống. Chú trọng công tác đảm bảo công tác an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm trong lễ hội.

Để có thể tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lễ hội truyền thống lành mạnh, phong phú rất cần thiết thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, từ đó góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của dân tộc cũng như góp phần vào sự phát triển chung của địa phương, của dân tộc mà quan trọng hơn cả là hướng những con người trong cộng đồng đó đến những giá trị chân, thiện, mĩ./.

 

Phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình