Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

XÂY DỰNG GIA ĐÌNH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GÓP PHẦN XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG NINH BÌNH

22/10/2019

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Đảng ta luôn khẳng định: “Xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại”. Nhiều chủ trương chính sách liên quan đến xây dựng gia đình Việt Nam đã được ban hành như: Luật dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Để tôn vinh Gia đình Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 4/5/2001 về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đoàn thể cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình. Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 30-TT/TU về tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng gia đình thì kỳ CNH-HĐH đất nước. UBND tỉnh ban hành: Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Gia đình Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030; Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 03/11/2014 về triển khai Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; Kế hoạch 66/KH-UBND, ngày 09/8/2016 về thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến 2020; Công văn chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTG ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.

Hàng năm Sở Văn hóa và Thể thao ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện và phối hợp với các ban ngành đoàn thể tỉnh, Uy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để triển khai Công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Do vậy, công tác gia đình trong thời gian qua đã thu được những kết quả đáng ghi nhận góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Những việc làm thiết thực đó được cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng, tạo điều kiện cho nhiều gia đình cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Việc xây dựng đời sống văn hóa và nhân rộng các mô hình gia đình tiên tiến luôn được quan tâm thực hiện. Các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết, tiến bộ, sống kỷ cương, ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật, quy ước, hương ước của địa phương, chung tay cùng cộng đồng xây dựng các công trình phúc lợi, cảnh quan môi trường, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo được quan tâm hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình, tỷ lệ hộ nghèo giảm, số hộ nghèo tiếp tục giảm qua các năm. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là 12,4%, năm 2018 giảm xuống còn 3,63% (theo chuẩn đa chiều). Đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình được nâng lên. Các giá trị đạo đức truyền thống của gia đình được quan tâm và gìn giữ…Nhờ đó, số lượng và chất lượng gia đình văn hóa đã được nâng lên từ 38,3% năm 2001 lên 73,1% năm 2005, 81,9% năm 2010 lên 86,1% năm 2016, đến 2018 là 88,21%. Đó là những nhân tố tích cực góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa gia đình của vùng đất Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến và tạo tiền đề thuận lợi cho gia đình Việt Nam phát triển bền vững.

Trong những năm qua, đã có rất nhiều gia đình được biểu dương, khen thưởng từ cấp huyện, đến tỉnh, đến trung ương. Điển hình, năm 2013 đã có 08 gia đình được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 01 gia đình đã vinh dự cùng với 63 gia đình tiêu biểu trong cả nước được Chủ tịch nước mời đến gặp mặt tại Phủ Chủ tịch. Trong 4 năm 2015-2018 có 106 gia đình được biểu dương, khen thưởng cấp tỉnh. Và còn rất nhiều gia đình tiêu biểu đã được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể biểu dương, tạo nên sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Mỗi thành viên trong gia đình được khen thưởng, được biểu dương đã và đang những người cha, người mẹ, người ông, người bà, người con, người cháu gương mẫu đang bình dị, sớm hôm thắp lên ánh lửa sáng của tình yêu thương, đoàn kết, gắn bó, tương trợ trong mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội để xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp, xây dựng thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc. Đó là minh chứng rõ nét nhất về sự phấn đấu không mệt mỏi, vì hạnh phúc của gia đình, vì sự ấm no, tiến bộ, văn minh của cộng đồng làng xã, phố phường trong tỉnh. Thành tích của các gia đình đã góp phần tô đẹp thêm hình ảnh về vùng đất và con người Ninh Bình.

Như chúng ta đã biết Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 04/5/2001 về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Sau 18 năm triển khai, đến nay hoạt động kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam đã trở thành truyền thống của nhiều gia đình. Đây là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng toàn thể nhân dân có dịp tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp và nhân văn của Gia đình Việt và cũng là dịp các thành viên gia đình thể hiện lòng biết ơn và sự tôn kính đối với ông bà, cha mẹ, ngược lại những người lớn tuổi trong gia đình thể hiện lòng nhân ái, mẫu mực, lắng nghe ý kiến, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các thành viên trong gia đình, tạo nên ngày hội của toàn xã hội, từng bước đưa “Ngày gia đình Việt Nam 28/6” trở thành ngày hội tri ân của mỗi gia đình Việt Nam.

Hòa chung không khí tưng bừng trên cả nước, hưởng ứng kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2019 với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại những kết quả triển khai công tác gia đình trên địa bàn tỉnh cũng như tích cực tìm ra những giải pháp để tiếp tục xây dựng gia đình Việt Nam phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh. Bởi như chúng ta biết, do ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, nhiều giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam bị phai nhạt như: Hiện tượng xao nhãng việc dạy dỗ con cái, quan hệ của các thành viên trong gia đình “lỏng lẻo”, nhận thức của người dân về bình đẳng trong gia đình còn hạn chế, tình trạng ly thân, ly hôn, chung sống không kết hôn, ngoại tình, quan hệ tình dục trước hôn nhân, nạo phá thai, bạo lực gia đình, các tai, tệ nạn xã hội đặc biệt tệ nạn ma túy, mại dâm, … luôn rình rập, xâm nhập vào gia đình; tình trạng mất cân bằng giới tính, gia tăng dân số, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… là những vấn đề xã hội bức xúc, cản trở sự phát triển bền vững trong mỗi gia đình Việt Nam. Để khắc phục những tồn tại hạn chế đó, cần có sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng, gia đình và mỗi thành viên gia đình, cụ thể:

Một là: Triển khai và tuyên truyền sâu rộng trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, cộng đồng dân cư và quần chúng nhân dân Nghị quyết BCH Trung ương Đảng lần thứ 9 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng văn hóa, con người phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Kiên trì tác động đến từng cá nhân, từng cộng đồng mà trước hết phải xây dựng từ trong mỗi gia đình. Phải thanh lọc dần những hủ tục lạc hậu, những thói quen xấu; làm thay đổi tư duy và hành vi ứng xử theo hướng tích cực, gìn giữ những thói quen tốt, những nét đẹp trong phong tục truyền thống ở mỗi gia đình.

Hai là: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể trong tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm: Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững; ưu tiên, bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình. Thúc đẩy các hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các gia đình thực hiện “Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”; đặc biệt có các biện pháp hữu hiệu giúp đỡ gia đình khó khăn, gia đình chính sách, góp phần vào thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, lồng ghép phong trào “Xây dựng nông thôn mới”; “Xây dựng đô thị văn minh”; “Xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”,… với các phong trào và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương, đơn vị. Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận, đoàn kết, tương trợ cộng đồng; sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử văn minh, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương.

Bốn là: Tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình: Cung cấp kiến thức, kỹ năng làm cha, làm mẹ, làm vợ, làm chồng; kỹ năng nuôi dạy con cái; kỹ năng ứng xử trong gia đình, xã hội; nêu các gương điển hình tốt về học tập, chăm sóc ông, bà, cha, mẹ, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật… Mỗi thôn xóm, cụm dân cư, từng gia đình phải giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của từng gia đình, quê hương, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Phạm Thị Thanh Huyền

Phòng Xây dựng Nếp sống văn hóa và Gia đình