Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Những thước phim về đề tài Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 không thể nào quên

03/09/2020

Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm 1945, một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc luôn là đề tài thu hút nhiều nhà làm phim. Trải qua 75 năm, Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã có biết bao thước phim tài liệu, phim điện ảnh hay giúp cho chúng ta những hình dung rõ hơn về những năm tháng ấy.

Bộ phim đầu tiên được nhắc đến là “Sao Tháng Tám”- bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt. “Sao tháng Tám” được sản xuất năm 1976 của cố đạo diễn, NSND Trần Ðắc. Năm 1977, tại LHP Quốc gia lần thứ IV, bộ phim đã đoạt giải Bông Sen Vàng - cũng là một trong những tác phẩm về chiến tranh có sức sống mãnh liệt nhất của điện ảnh Việt Nam. Bộ phim giúp khán giả hiểu sâu sắc nhất về những nỗi “bĩ cực”, cuộc sống lầm than của dân ta mà không trang viết nào tái hiện chân thực bằng.

Có lẽ đến thời điểm hiện tại, chưa có bộ phim nào phản ánh thành công những ngày sôi sục trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và nạn đói kinh hoàng năm ấy như “Sao Tháng Tám”. “Sao Tháng Tám” đủ sức gợi và làm nên một chương lịch sử phim ảnh của thời đại, vang vọng mãi trong nền điện ảnh Việt Nam, khẳng định một bước phát triển mạnh mẽ trong làng điện ảnh của nhà làm phim cùng những diễn viên trong bộ phim của ngày ấy, để đến nay trước sự phát triển vượt bậc của môn nghệ thuật thứ bảy khi nói đến đề tài cách mạng, “Sao Tháng Tám” vẫn là bộ phim không thể nào thay thế được. Hằng năm vào tháng Tám, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) luôn lên lịch phát sóng lại bộ phim “Sao tháng Tám” - như một cách tái hiện lại lịch sử, tri ân cùng lịch sử.

Bộ phim Sao Tháng Tám

Bộ phim thứ hai ghi dấu ấn là phim tài liệu “Ngày Độc lập 2/9/1945” của cố đạo diễn Phạm Kỳ Nam - ra đời năm 1975, đúng 30 năm sau ngày lễ thiêng liêng diễn ra trên Quảng trường Ba Đình, đánh dấu ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Ngày độc lập 2/9/1945” là bộ phim được làm từ những thước phim tư liệu quý giá ghi lại những phút giây lịch sử của ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, mở ra cho dân tộc Việt Nam một kỷ nguyên mới. Những thước phim đen trắng với hình ảnh đoàn người nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, nắm tay vung cao và hát vang bài “Diệt phát xít”, cùng lời tuyên thệ Độc lập của quốc dân vang động quảng trường... làm không ít người dân Việt Nam ngỡ ngàng, xúc động xen lẫn tự hào.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình,Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Gần đây, điện ảnh hiện đại sản xuất thêm những bộ phim như “Nhà Tiên tri”, hay “Hồ Chí Minh - Bài ca tự do”. Trong đó “Nhà tiên tri” là bộ phim được chọn chiếu khai mạc Đợt phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 trên khắp cả nước. Đây là bộ phim do Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất (đạo diễn NSƯT Vương Đức). Bộ phim có kịch bản đạt giải ba cuộc thi Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2009). Bối cảnh phim diễn ra khoảng năm 1947-1951, khi Cách mạng rút lên căn cứ Việt Bắc. Người đóng vai chính - Bác Hồ - trong phim "Nhà Tiên tri" là NSND Bùi Bài Bình. Về tên phim "Nhà Tiên tri", tác giả kịch bản Hoàng Nhuận Cầm lý giải: “Lúc này vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc trước sự vây ráp của chủ nghĩa thực dân. Khi đọc hai truyện ngắn Bác viết trong giai đoạn này, “Việt Bắc anh dung” và “Giấc ngủ 10 năm”, tôi thấy Bác đã viết về ngày Hà Nội giải phóng. Và trong rất nhiều tác phẩm khác, Người như nhìn thấy được những bước đi của lịch sử, của tương lai, giống như một nhà tiên tri”.

Tiếp đó, phim tài liệu “Hồ Chí Minh - Bài ca tự do” được xây dựng trên mạch cảm xúc là các bài hát quốc tế nổi tiếng ca ngợi Bác. Bộ phim kể câu chuyện cuộc đời, về sức lan tỏa của tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Người đối với dân tộc Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Những ca khúc quốc tế được sáng tác dựa trên cảm hứng bất tận về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những ca khúc mà tác giả hầu hết cũng là các chiến sĩ cách mạng yêu chuộng hòa bình của thế giới. Khán giả được nghe lại những giai điệu quen thuộc của The ballad of Hochiminh (tác giả Ewan Maccoll, người Anh) - ca khúc viết về Bác Hồ sớm nhất, Quyền sống trong hòa bình (Victore Hara, người Chile), Teacher Uncle Ho (nhạc sĩ Peter Seeger, người Mỹ), Bác Hồ - người thầy vĩ đại (nhạc sĩ Juan Francisco Gutierrez, người Venezuela), Như có Bác trong ngày đại thắng (nhạc sĩ Phạm Tuyên, Việt Nam) cùng nhiều ca khúc quốc tế khác lấy cảm hứng từ tư tưởng tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh.“Hồ Chí Minh - Bài ca tự do” nêu bật tầm vóc, sức ảnh hưởng của người chiến sĩ cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Ngoài sức lan tỏa mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh, “Hồ Chí Minh - Bài ca tự do” còn cho khán giả thấy được những tình cảm đặc biệt mà nhân dân quốc tế dành cho vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Sau này, hai bộ phim truyện nhựa có đề tài về chiến tranh như “Hoài vũ trắng” và “Chớp mắt cùng số phận” do Công ty Cổ phần Phim truyện I sản xuất được chọn trình chiếu trong “Đợt phim Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đến với “Hoài vũ trắng” của đạo diễn Đào Duy Phúc là bộ phim tâm lý, xã hội. Thông qua câu chuyện về một nữ biệt động gốc Hà Nội, hoạt động tại Huế - trong vùng địch tạm chiếm, bằng lòng dũng cảm và lòng nhân hậu đã cảm hóa một sỹ quan Ngụy. Bộ phim ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người nữ chiến sỹ trong chiến tranh cũng như trong hòa bình.

Bộ phim “Chớp mắt cùng số phận” của đạo diễn Lê Ngọc Linh kể về số phận của những người lính ra trận và những con người đang ở hậu phương. Những mất mát từ trong chiến tranh không làm xóa đi những phẩm chất của người lính, những người thương binh. Dù trong mọi hoàn cảnh, họ vẫn giữ vững những giá trị tốt đẹp. Thông qua câu chuyện trong phim, đạo diễn đã miêu tả chân dung người lính Cụ Hồ một cách ấn tượng và xúc động.

Bên cạnh đó, Điện ảnh Việt Nam còn nhiều bộ phim khác viết về cách mạng, về Bác Hồ như: “Đường xuyên rừng”, “Những người viết huyền thoại”, “Sống cùng lịch sử”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Mùi cỏ cháy”, “Đường thư”, “Đừng đốt”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Vào Nam ra Bắc”... Các phim tài liệu “Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, “Bác Hồ với nông dân”, “Đường tới Độc lập, tự do”, “Ngày cuối cùng của chiến tranh”, “Đỉnh cao chiến thắng”... đã được lựa chọn trình chiếu trong những Đợt phim chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 hằng năm. Trong tương lai, hy vọng Điện ảnh Việt sẽ có thêm nhiều những thước phim hay về đề tài này sẽ được sản xuất và trình chiếu.

 

Trung tâm PHP và Chiếu bóng Ninh Bình