Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Văn bia "Trùng tu tạo tác thánh tượng tiên triều Lê Đại Hành hoàng đế bi ký tính danh

17/12/2021

Văn khắc trên đá ở nước ta có từ rất sớm, mỗi làng xã, mỗi dòng họ, mỗi dấu tích lịch sử thường được nhân dân dựng bia để ghi lại. Văn bia gắn với tín ngưỡng dân gian là các văn bia ghi chép về việc xây dựng đền, chùa, đình và việc công đức của mọi người.

Những văn bia sớm trong thời kì Bắc thuộc hiện nay đã tìm thấy có: Văn bia có niên đại từ năm 314 đến năm 450 tại thôn Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Mặt thứ nhất ghi niên đại “Kiến Hưng nhị niên cửu nguyệt” (tháng 9 năm 314), mặt thứ hai có dòng niên đại “Duy Tống Nguyên Gia chấp thất niên” (tức năm 450). Tại khu trưng bày hiện vật giai đoạn Bắc thuộc - Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam còn lưu giữ bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn (Đông Sơn -Thanh Hóa) có niên hiệu Đại Nghiệp nhà Tùy (năm 618). Đến thế kỉ X, nước ta giành được độc lập, tại Hoa Lư  (Ninh Bình) kinh đô nhà Đinh - Tiền Lê (968 - 1010), có bia bát giác dựng vào năm 995 dưới triều vua Lê Ðại Hành.

Văn bia, thực chất là loại văn ứng dụng dùng để “ký” hoặc “chí” (ghi chép) những sự việc cần ghi nhớ. Là di vật quý, có giá trị, qua bàn tay tài hoa của người thợ đá, văn bia được chạm khắc tinh xảo, trang trí đẹp, trở thành tác phẩm nghệ thuật điêu khắc không chỉ có giá trị sử dụng mà còn mang tính nghệ thuật cao.

Theo thống kê của Bảo tàng Ninh Bình, hiện đã khảo sát và dập được 871 bia/ câu đối của 318 di tích trên địa bàn toàn tỉnh. Trong số văn bia hiện lưu giữ tại đền vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành ở xã Trường Yên, có duy nhất một văn bia hình hộp chữ nhật, đó là văn bia “Trùng tu tạo tác Thánh tượng tiền triều Lê Đại Hành Hoàng đế bi ký tịnh minh” niên hiệu Hoằng Định thứ 12 (1611) ghi chép về việc trùng tu và tạo tác thánh tượng.

Được làm từ đá tự nhiên liền khối, gồm 3 khối đá ghép lại với nhau: Đế - thân - chóp.  Bia hình hộp chữ nhật có bốn mặt, với chiều cao 1,75m, rộng 49 cm x 58 cm. Về mặt bố cục bia gồm có 3 phần: trán, thân và đế bia.

Trán bia cao 66 cm rộng 75 cm, tạo tác theo kiểu hình chóp, trên hẹp, dưới rộng,  không trang trí hoa văn.

Thân bia, được tạo tác bởi một phiến đá lớn hình hộp chữ nhật, tiêu đề bia chạm chữ theo hàng ngang và nằm ở diềm của trán bia. Lòng bia khắc 48 dòng chữ theo chiều dọc với 1.356 chữ Hán.   

Diềm bia chạm lưỡng Long chầu nhật, mặt nhật có nhiều tia sắc nhọn trông như ngọn lửa thiêng thiêu cháy mọi tà ma, bảo vệ sự trong sạch và an lành nơi đền thờ. Diềm hai bên được điêu khắc Rồng cuốn và các họa tiết hoa lá nhằm làm mềm hóa chất liệu thô của đá. 

 Đế bia là một khối đá hình hộp chữ nhật, được điêu khắc giật cấp, trông vững chắc và uy nghi. 

Nội dung văn bia có kết cấu đầy đủ cả hai phần tự và minh, câu chữ sinh động. Phần đầu là đoạn văn ca ngợi Thánh nhân có công lao thì được muôn đời những lớp người nối tiếp dựng đền, miếu để Xuân, Thu bốn mùa thờ cúng báo đáp, tiếp đó là phần kể về Phong Quận công Bùi Thời Trung vâng lệnh Đô nguyên soái tổng quốc chính thượng phụ Bình An Vương khuyến khích quan viên xã Trường Yên hạ, hạng quân, hạng dân, phụ lão, thu thập gỗ chắp nối thước, tu sửa và làm ba pho thánh tượng. Đến ngày 19 tháng 6 năm Tân Hợi hưng công tạc tượng thánh Lê Đại Hành hoàng đế, thánh tượng Bảo quang Hoàng thái hậu, thánh tượng Ngọa triều hoàng đế. Ngày 24 tháng 6 năm Mậu Tý thì hoàn thành, sau đó đỏ xanh tô vẽ, son phấn tô màu, bảo tòa huy hoàng chiếu sáng. Ngày 24 tháng 7 cùng năm thì khai quang khánh thành, để có nơi quy y bốn mùa hương khói; Quốc đảo dân cầu đều ứng nghiệm, ơn mưa móc cho thiên hạ thái bình. Sau phần kê tên người hưng công tu sửa đền là phần ghi địa chỉ mua vật liệu tạo tượng:  本社督押買杷羅密錢壹貫五陌在石城縣將回再造三聖像 (Bản xã mua gỗ ở huyện Thạch Thành hết 1 quan 5 hào mang về làm lại ba pho thánh tượng).

Văn bia kết lại bằng một bài minh dài 14 câu, tóm lược công lao của Thánh nhân:

Ở huyện Gia Viễn

Có xã Trường Yên

Là nơi thắng tích

Đất vua lên ngôi

Miếu hiệu:

Lê Đại Hành Hoàng đế

Thái hậu hiệu Bảo Quang

Ngọa triều Hoàng đế

Nối tiếp trị vì

Trong ngoài yên ổn

Nước nhà thịnh đạt

Bốn bên tỏ rõ

Kính cẩn thay

Thánh triều ghi rõ ở điển cũ.

Văn bia còn lưu giữ tại Cố đô Hoa Lư kết đọng những giá trị về văn học nghệ thuật, lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo, kinh tế, xã hội ...là những tài liệu quý giá, góp phần nghiên cứu nhiều mặt vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá Cố đô Hoa Lư. Văn bia tồn tại với những chức năng đa dạng vừa hạt ngọc quý, vừa là một di sản văn hóa của dân tộc, gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc thì trước hết mỗi chúng ta cần phải trân trọng, giữ gìn và phát huy hơn nữa những giá trị ông cha ta để lại, và bia đá là một trong những giá trị đó.

Văn bia "Trùng tu tạo tác Thánh tượng tiền triều Lê Đại Hành hoàng đế bi ký tịnh minh” lưu giữ tại đền thờ vua Lê Đại Hành

 

 

 

                                                                 Nguyễn Thị Kim Cúc