Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Vài nét về Tết truyền thống

08/02/2021

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Trong thời khắc thiêng liêng ấy, con người chỉ nói những điều hay, làm việc tốt, mong ước điều tốt lành, gia đình, bạn bè, người thân được đoàn tụ, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Đây cũng là nét đẹp văn hóa độc đáo lâu đời của người Việt.

Tết Nguyên Đán được khởi đầu từ ngày 23 tháng Chạp, kéo dài đến mồng bảy Tết, trong đó 3 ngày đầu tiên của tháng đầu tiên thuộc về năm mới được coi là Nguyên đán – Tết đầu năm mới. Nguyên nghĩa của chữ “Tết” chính là chữ “Tiết” . Hai chữ “Nguyên Đán” có gốc chữ Hán, “nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai, “đán” có nghĩa là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng nguyên âm phải là “Tiết Nguyên Đán”. Về sau, do sự phát triển của ngôn ngữ nên chữ “tiết” được Việt hóa thành “Tết” và hình thành nên tên gọi Tết Nguyên đán như ngày nay.

Theo sự tích “Bánh chưng bánh dày” thì từ thời Hồng Bàng dựng nước (2879 TCN – 258 TCN) Lang Liêu đã dùng gạo nếp làm thành bánh chưng, bánh dày để dâng biếu vua Hùng, như vậy Tết Nguyên Đán đã được người Việt tổ chức từ thời Hùng Vương dựng nước và được trao truyền đến ngày nay. Trên cơ sở niềm tin và tín ngưỡng chung của dân tộc, ở mỗi vùng miền, tùy theo phong tục tập quán của từng cộng đồng dân cư mà người dân có cách chào đón năm mới khác nhau song đều tựu chung mục đích cầu mong những điều tốt lành, hướng đến các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ở miền bắc, trong khu vực đồng bằng sông Hồng, người Ninh Bình thực hiện các nghi thức đón tết như hầu hết các tỉnh trong khu vực và có những sắc thái riêng, độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất cố đô Hoa Lư.

Vào tuần cuối năm cũ, từ ngày 23 tháng Chạp cho đến 30 tháng Chạp, mọi gia đình người Việt thường tập trung cùng nhau viếng thăm, quét dọn, sửa sang mồ mả tổ tiên, dâng lễ mọn cúng bái và mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Đây được coi như “hoạt động văn hóa tâm linh” đầu tiên khi chuẩn bị bước vào “chu trình” của Tết Nguyên đán. 

          Tiếp theo là các hoạt động trang hoàng nhà cửa và không gian sống để đón tết. Không gian tết xưa trong mỗi gia đình Việt thường có tranh Tết, câu đối và các loại hoa tươi, cành đào, cây quất… với hy vọng, ước muốn về một năm mới tốt lành “hòa cốc – phong đăng”, sức khỏe, bình yên, phát đạt. Đối với người Ninh Bình, không gian tết không thể thiếu cành đào hồng thắm. Cành đào Tết không chỉ xua tan cái giá rét của mùa đông, đánh thức mùa xuân mới mà còn gợi nhớ câu chuyện xưa. Ở miền Bắc, dưới chân núi Sóc có cây đào to lớn khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng lớn, có hai vị thần Trà và Uất Lũy trú ngụ trên cây, tỏa uy quyền che chở cho dân chúng, xua đuổi quỷ dữ. Từ ngày 23 tháng chạp, hai vị thần về thiên đình chầu ngọc hoàng, vắng mặt ở trần gian, để quỷ dữ không hoành hành người dân bẻ cành đào cắm trong nhà để trừ ma quỷ. Từ đó đến nay, cứ mỗi dịp tết đến, mỗi gia đình lại bẻ cành đào trưng trong nhà hoặc vẽ tranh hai vị thần Trà và Uất Lũy treo trong nhà để từ ma quỷ, cầu an vui. Tích xưa bị lãng quên dần, ít người còn nhắc đến nhưng sắc hoa đào thắm hồng và những bức họa gợi xúc cảm bình yên và tươi mới trong không gian tết của mỗi gia đình thì còn mãi và trở thành nét văn hóa độc đáo của người dân miền Bắc nói chung. Đó cũng là ngọn nguồn của sở thích chơi hoa chơi tranh trong không gian văn hóa gia đình hoặc tại các không gian sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng, thể hiện nét tao nhã, văn minh, tiếp cận với hiện tại mà không xa rời truyền thống.

          Bên cạnh việc trang hoàng không gian sống, tục gói bánh chưng, làm bánh dày dâng cúng tổ tiên và các vị thần linh cũng được người Việt duy trì từ thời Hùng Vương đến ngày nay.

Mâm cỗ tết là nơi thể hiện rõ nhất đặc trưng văn hóa vùng miền. Bên cạnh các món truyền thống như thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, mỗi vùng quê lại có những món ăn đặc trưng riêng. Ở miền Bắc do thời tiết lạnh nên món thịt đông là đặc sản không thể thiếu trong mâm cỗ tết. Người Ninh Bình có nhiều món đặc sản quý nên ngày tết, ngoài các món như hầu hết các vùng miền khác, mâm cỗ tết còn có bát canh mọc Kim Sơn, đĩa nem Yên Mạc, đĩa cá rô tổng Trường…

Ban thờ gia tiên là nơi được chú trọng bày biện nhất trong dịp Tết Nguyên Đán, cũng là nơi thực hiện nghi lễ đón giao thừa của mỗi gia đình. Ban thờ gia tiên được bày biện công phu và không thể thiếu mâm ngũ quả với 5 loại trái cây tượng trưng cho 5 yếu tố trong ngũ hành cũng là 5 loại trái cây có ý nghĩa mang đến may mắn, tài lộc cho gia chủ. Lễ đón giao thừa được coi là thời điểm linh thiêng và quan trọng nhất trong năm của mọi gia đình, mọi người xum vầy chúc phúc cho nhau và thắp hương, trên ban thờ gia tiên, soạn mâm lễ cúng thần linh trước cửa nhà để đón các vị quan hành khiển, hành binh của năm mới, mong năm mới bình an, tốt lành.

Tục xông đất và trao quà mừng tuổi cũng là nét đẹp văn hóa của người dân Việt vào buổi sớm đầu năm. Tuân thủ những “phép tắc” bất thành văn từ quá khứ cha ông, con cháu hiện thời chọn mời người xông đất, hợp tuổi hợp mệnh, cầu chúc năm mới may mắn, sung túc trong mọi hoàn cảnh, ăn nên làm ra, học hành tiến bộ.

Quà mừng tuổi đầu năm mang ý nghĩa biểu tượng hơn là vật chất, thể hiện lòng tôn kính bậc sinh thành, những bậc cao niên trong họ hàng, làng xóm và sự quan tâm đến thế hệ măng non tương lai. Ẩn sau mỗi phần quà mang tính biểu tượng đó còn là lời nhắn nhủ, tâm sự, khuyên răn, gửi trao ý nguyện giữa các thế hệ về khát vọng vào một ngày mai tươi đẹp, may mắn

Thật hiếm có dân tộc nào lại cô đọng thế ứng xử của mình trong 3 ngày đầu năm mới một cách cụ thể và hàm chứa nhiều ý nghĩa như dân tộc Việt: “Mồng Một thì ở nhà Cha/ Mồng Hai nhà Mẹ, mồng Ba nhà Thầy”. Cho thấy truyền thống hiếu lễ, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, đức tôn sư trọng đạo... đã ăn sâu trong lối sống của người Việt. Cũng từ lối sống trọng đạo nghĩa, trọng tri thức mà tục xin chữ đầu xuân năm mới đã và đang được tiếp nối một cách phổ biến ở hầu khắp các vùng quê. Ở Ninh Bình, tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, các điểm tập trung đông người, chợ hoa tết, rất dễ gặp cảnh người dân quây quần xin chữ, cầu may.

Nói đến vẻ đẹp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam không thể không nhắc đến các hình thức sinh hoạt lễ hội trong những ngày đầu xuân. Đối với người Việt nói chung và người Ninh Bình nói riêng, mùa xuân là mùa của lễ hội. Các Lễ hội ở Ninh Bình luôn là nơi thu hút đông đảo du khách và con em xa quê, nhất là các lễ hội như Lễ hội Hoa Lư, lễ hội Báo bản làng Nộn Khê (Yên Mô), Lễ hội làng Bình Hải (Yên Mô), lễ hội Tràng An, Lễ hội Đền Thái Vi, Lễ hội Đền Đông Hội (Hoa Lư)… Việc tổ chức lễ hội phần nhiều tùy vào cộng đồng dân cư và chính quyền sở tại, các nét đặc trưng của lễ hội có thể biến cải ít nhiều cho phù hợp với điều kiện thực tế mỗi nơi song vẫn giữ được phần hồn cốt của văn hóa truyền thống, tạo nên tính cố kết cộng đồng, tăng thêm tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, thắt chặt tình quê hương, ruột rà máu mủ.

Lễ hội mùa xuân ở Ninh Bình là một “bảo tàng sống” được sáng tạo, trao truyền và giữ được sức hấp dẫn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếp văn hóa dân gian này là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại để thế hệ hôm nay hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Với con người Việt Nam đương đại hôm nay, trên bước đường hội nhập và phát triển, mặc dù di sản văn hóa truyền thống của mình qua quá trình vận động, phát triển, đã có những tiếp biến, biến đổi nhất định, song những hằng số văn hóa hàm chứa các giá trị được các thế hệ sáng tạo, bảo vệ, trao truyền gắn với lễ Tết cổ truyền, vẫn đã và đang là những nét đẹp văn hóa truyền thống, tác động tích cực đến sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa, làm nên cốt cách người Việt hôm nay./.

Nguyễn Thị Dịu

Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình