Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

VÀI NÉT VỀ VĂN BẢN HÁN NÔM VÙNG ĐẤT TỪ NGÃ BA SÔNG BÔI ĐẾN KINH ĐÔ HOA LƯ

06/08/2021

Nằm ở cực Nam của châu thổ sông Hồng, Ninh Bình là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang và bản sắc văn hóa độc đáo. Trải qua hàng triệu năm vận động kiến tạo của địa chất, tự nhiên cùng với sự phát triển của lịch sử, Ninh Bình trở thành vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi diễn ra và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Đặc biệt, với sự kiện Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế, lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt, vùng đất và con người Ninh Bình đã ghi một dấu ấn sâu đậm trong tiến trình lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài trên đất nước Việt Nam.

Xác định văn tự, thư tịch cổ, (phần lớn là tư liệu Hán Nôm) là một trong những tư liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử văn hóa địa phương, nhóm nghiên cứu của Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các chuyên gia nghiên cứu ở trung ương, tiến hành công tác sưu tầm ở 7 xã của 3 huyện thuộc vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư. Trong đó tập trung khu vực cố đô Hoa Lư ngày nay và một số xã phụ cận có giá trị tiêu biểu về kinh tế, văn hóa và có nhiều loại văn bản Hán Nôm cổ. Đó là xã Trường Yên (huyện Hoa Lư), các xã Sơn Lai, Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan) và các xã Gia Sinh, Gia Phương, Gia Tiến, Gia Thắng (huyện Gia Viễn).

Do khoảng không gian quá rộng để khảo cứu tư liệu trong một thời gian rất hạn hẹp nên trong quá trình sưu tầm, chúng tôi ưu tiên cho các văn bản lưu giữ tại các di tích lịch sử văn hóa, còn khối tư liệu lưu giữ tại tư gia như gia phả, văn cúng, sách thuốc… chúng tôi chưa thể đề cập đến.

Kết quả thống kê cho thấy, các văn bản Hán – Nôm này tập trung nhiều nhất ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (220 đơn vị văn bản), xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan có ít đơn vị văn bản nhất (25 đơn vị văn bản). Sở dĩ có sự chênh lệch nhất định về số lượng các văn bản như trên là do Hoa Lư là kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt, vùng đất địa linh này đã giúp Đinh Tiên Hoàng khởi đầu cho việc dựng đô, lập nên nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử. Địa phận xã Trường Yên ngày nay, chính là vùng lõi của kinh đô Hoa Lư xưa. Xung quanh vùng này, hiện nay còn lưu lại một số công trình tiêu biểu như cung điện, lăng mộ, chùa chiền, cầu đường… của nước Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh.

Hệ thống tư liệu Hán – Nôm trên địa bàn các xã thuộc vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư đa dạng về thể loại với các loại hình sau:

1. Thần tích

Thần tích là những bộ sưu tập về sự tích các thần được thờ ở thôn, xã mà phần lớn đã được triều đình cho người biên chép, chỉnh lý và lưu trữ bản gốc tại bộ Lễ dưới hình thức chung là Ngọc phả. Mỗi bản thần tích được biên soạn theo một mẫu chung: Gốc các vị thần (đời vua, cha mẹ, quê quán), công lao của thần lúc sống cũng như khi mất (cứu dân, cứu nước, hiển linh,…), các danh hiệu được phong tặng, nơi thờ tự… Những vị thần có thể là nhiên thần, thiên thần, có thể là nhân thần.

Xét về mặt nội dung, thần tích được chia làm hai loại:

j Thần tích về thần trời (thiên thần). Thần trời là những vị thần vốn không phải là những nhân vật lịch sử, những con người có thật, mặc dù có khi truyền thuyết tạo họ thành những con người có thật (ở đây, khái niệm trời đối lập với người, chứ không phải đối lập với đất).

k Thần tích về thần người (nhân thần). Thần người vốn là những con người có thật, những nhân vật lịch sử, khi còn sống có công với dân, với nước, nên sau khi chết, được thờ làm thần.

Qua khảo sát thống kê điền dã, hiện nay chúng tôi đã sưu tầm được 04 bản thần tích trên địa bàn các xã thuộc vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư.

          - Việt Nam Phật tổ tam thánh sự tích, bản chữ Hán, soạn năm Nhâm Tý niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852), ghi sự tích 3 thánh: Nguyễn Minh Không, Nguyễn Giác Hải và Từ Đạo Hạnh. Bản thần tích được lưu giữ tại đền Thánh Nguyễn, xã Gia Tiến, Gia Thắng, huyện Gia Viễn.

          - Ngọc phả Lý Cao Tông phụ chính đại thần Tô Hiến Thành thái sư ngọc phả lục, Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Nguyễn Hiền sao năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). Hiện nay, bản ngọc phả được lưu giữ tại di tích đền Thánh Tô và núi Kiếm Lĩnh, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn.

          - Hoàng triều công thần tam vị đại vương ngọc phả được lưu giữ tại đình, chùa, phủ làng Đồi, xã Quỳnh Lưu; ghi lại sự tích của 3 vị thần: Mai Tuyên (Quảng Đức Đại vương), Trần Kỳ (Tiến Quốc Đại vương) và Trần Dĩnh (Hùng Dũng Đại vương).

          - Bản xã Thánh Mẫu từ sự tích, sự tích đền Thánh Mẫu xã Chi Phong là bà Nguyễn Thị Niên, chánh thất Mỹ quận công Bùi Văn Khuê. Bản thần tích hiện được lưu giữ tại đền Vực Vông, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư.

2. Sắc phong

Sắc phong là văn bản quí hiếm của làng xã và họ tộc, đó là một loại hiện vật gốc đặc biệt quý hiếm (nói theo ngôn ngữ bảo tàng học), là tư liệu địa chí quý hiếm (nói theo ngôn ngữ thư viện học).

Số lượng sắc phong trên địa bàn tỉnh Ninh Bình khá phong phú với gần 1400 đơn vị văn bản. Qua điền dã, chúng tôi đã sưu tập được 214 đạo sắc phong của các triều đại phong cho các nhân vật được thờ tự trên địa bàn 7 xã được khảo sát. Những sắc phong này đều là bản gốc, duy nhất, là nguồn tư liệu giá trị, góp phần tìm hiểu về hành trạng của các nhân vật được thờ tự tại địa phương. Dưới đây là các con số cụ thể của từng xã và bảng tổng hợp về nhân vật, niên đại của sắc phong phân bố ở các loại hình di tích lịch sử văn hóa.

- Xã Trường Yên, huyện Hoa Lư: 95 đạo sắc.

- Xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn: 6 đạo sắc.

- Xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn: 51 đạo sắc phong đền Thánh Nguyễn.

- Xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn: 61 đạo sắc (trong đó 51 đạo sắc đền Thánh Nguyễn)

- Xã Gia Phương, huyện Gia Viễn: 15 đạo sắc.

- Xã Sơn Lai, huyện Nho Quan: 32 đạo sắc.

- Xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan: 5 đạo sắc.

Kết quả tổng hợp cho thấy:

- Về niên đại: các đạo sắc phong chủ yếu có niên đại thời Hậu Lê và Nguyễn, trong đó đạo sắc phong có niên đại sớm nhất vào năm Đức Long thứ 5 (1633) phong cho Tế dương Định mệnh Khai cơ Sáng nghiệp… Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng), và sắc phong muộn nhất có niên đại Khải Định 9 (1924).

- Về nhân vật được ban phong: toàn bộ các sắc phong kể trên đều là sắc phong thần, do vua các triều đại phong kiến phong cho các vị thần được dân gian thờ cúng trong các đình, đền, miếu, lăng… Nhân vật được phong tặng có thể được phân thành các nhóm cơ bản sau:

+ Các vị anh hùng dân tộc có công lao với quốc gia như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Nguyễn Bặc… hoặc những vị thần có công lao to lớn trong quá trình khai phá vùng đất, liên quan đến vùng đất: Nguyễn Minh Không, Tô Hiến Thành, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê…

+ Thành hoàng làng: Lang Cun, Thành hoàng Bản thổ, Nam Đạo bản thổ, Thành hoàng Giám sát…

+ Nữ thần (Mẫu): Liễu Hạnh công chúa

+ Các vị nhiên thần và nhân thần khác như: Tản Viên sơn tam vị, Đô Thiên đại vương, Uy Minh đại vương, Ngũ lâu đại vương, Điển thủ thành trị Đại tướng quân…

3. Văn bia

Văn bia là bài văn khắc trên bia đá để ghi lại sự việc, sự kiện nào đó. Trong lịch sử, hầu như không sự kiện sự việc quan trọng nào xảy ra ở địa phương mà không được dựng bia ghi lại. Sự hiện diện của mỗi bia đá, mỗi bài văn khắc trên đó như một trang sử đá trong lịch trình của các làng xã, các triều đại, các dòng họ. Nói bia là trang sử đá là nói đến đặc trưng ký sự của nó, ghi chép sự việc, con người trong hoàn cảnh không gian và thời gian cụ thể. Mặt khác, bia thường gắn với di tích, với nơi công cộng để lưu niệm, nêu gương và lưu truyền về sau. Vì thế, mỗi bài văn bia cả về hình thức lẫn nội dung đều được quy ước chặt chẽ, định hình phong cách phản ảnh nhận thức và khả năng thẩm mỹ của mỗi tầng lớp xã hội, mỗi thời đại.

Theo kết quả kiểm kê của Bảo tàng tỉnh, tổng số thác bản văn bia tỉnh Ninh Bình sưu tập được là 1547 đơn vị văn bản. Qua khảo sát điền dã thực tế trên địa bàn các xã thuộc phạm vi nghiên cứu, chúng tôi đã sưu tầm được 37 đơn vị văn bản văn bia, trong đó:

­- Xã Trường Yên: 20 đơn vị văn bản

- Xã Gia Sinh: 5 đơn vị văn bản

- Xã Gia Tiến: 6 đơn vị văn bản (04 bia thuộc đền Thánh Nguyễn, trên địa bàn 2 xã Gia Tiến và Gia Thắng)

- Xã Sơn Lai: 2 đơn vị văn bản

- Xã Quỳnh Lưu: 4 đơn vị văn bản

Như vậy, với tổng số 37 văn bia sưu tầm được, chúng ta nhận thấy:

- Văn bia xuất hiện sớm nhất được tìm thấy đó là các cột kinh Đinh Liễn dựng vào thế kỷ X, đây được coi là coi là những văn bia cổ nhất, mang những nét độc đáo nhất trong hệ thống văn bia Việt Nam. Các văn bia còn lại hầu hết có niên đại từ thế kỷ XVII đến những năm đầu thế kỷ XX. Bia có niên đại muộn nhất khắc năm Bính Tuất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm thứ 2 (1946) (bia Sinh Dược Bái Đính công đức, lưu giữ tại núi chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn).

- Nội dung các văn bia chủ yếu ghi quá trình trùng tu, xây dựng và công đức trùng tu, một số bia phản ánh trực tiếp về các nhân vật, sự kiện và danh tích của vùng đất qua các thời kỳ lịch sử.

4. Hoành phi, câu đối

Hoành phi, câu đối trong các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn các xã thuộc vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến kinh đô Hoa Lư chiếm số lượng lớn nhất trong các loại hình di sản Hán Nôm (bao gồm 251 đơn vị văn bản, trong đó: 75 bức hoành phi, đại tự và 176 cặp câu đối). Đây là loại hình có giá trị nhiều mặt cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.

Hoành phi là một văn bản ngắn gọn, súc tích; thông báo cho mọi người biết được tên di tích và loại hình di tích; đồng thời khái quát đối tượng vị thần được thờ phụng trong di tích ghi tên, đặc điểm nổi bật và công trạng của các vị thần gắn bó với nguồn gốc lịch sử của những nơi thờ phụng, bày tỏ tấm lòng của hậu thế đối với tiền nhân, tôn vinh, biết ơn, ngưỡng vọng của cộng đồng đối với công đức các vị thần thờ phụng. Chẳng hạn như: “Yên Bình từ” – Đền Yên Bình (Hoành phi tại đình, phủ thôn Xát, xã Sơn Lai), “Lão Thượng tự” – Chùa Lão Thượng (Hoành phi tại đình, chùa và phủ làng Đồi, xã Quỳnh Lưu).

Câu đối là một sản phẩm ngữ văn về thể loại. Nó giống như một bài thơ ngắn hội tụ đầy đủ nội dung tư tưởng, phản ánh quan điểm, tình cảm của người sáng tác, thể hiện trình độ, tài năng của tác giả thông qua biện pháp tu từ, chọn chữ, cách luật, sử dụng điển cổ… Ngày nay, tại các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản câu đối.

Về hình thức, phần lớn các cặp câu đối trên đều được làm bằng gỗ tốt ở địa phương như gỗ mít, lim; sơn màu đỏ hoặc màu đen, chữ viết được khắc chìm, khắc nổi và sơn nhũ vàng, có những câu đối được làm công phu hơn, sơn son thếp vàng; chữ viết trên câu đối thường dùng chữ “Chân”.

Về nội dung, nội dung trên câu đối thể hiện về đạo đức, triết lý răn dạy những điều lành, lẽ phải ở đời, hay nói về truyền thống, lịch sử, phong cảnh quê hương; câu đối thường đi liền với nhau một cặp, nhiều câu đối có lạc khoản ghi năm tháng, tên các tộc họ, làng xã, danh nhân dâng cúng.

Nội dung văn bản Hán Nôm hàm chứa nhiều thông tin rất có giá trị cho việc nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực như văn hóa học, xã hội học, dân tộc học, bảo tồn bảo tàng, giao lưu văn hóa, chính trị, kinh tế hoặc các chính sách đối nội đối ngoại, các sự kiện ngoại giao.

NHÓM NGHIÊN CỨU