Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

TÌM HIỂU THÊM VỀ VỊ THẾ CỦA NHÀ NƯỚC ĐẠI CỒ VIỆT QUA DI SẢN VĂN HOÁ PHI VẬT THỂ QUỐC GIA “TRÒ DIỄN XUÂN PHẢ”

22/10/2019

Trò diễn Xuân Phả được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2016, là trò diễn có giá trị đặc biệt, được người dân làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá lưu giữ và trao truyền lại qua các thế hệ từ thế kỷ X đến ngày nay.

   Các truyền thuyết và thần tích ở xứ Thanh cho rằng, vua Đinh Tiên Hoàng được Thành hoàng làng Xuân Phả báo mộng giúp cách phá giặc. Để tỏ lòng biết ơn Thành hoàng làng Xuân Phả, Vua Đinh Tiên Hoàng đã làm lễ mừng công và tạ ơn Thành hoàng làng Xuân Phả, ban tặng cho thần là Đại Hải Long Vương Hoàng Lang Tướng Quân. Tại lễ mừng công này, các nước lân cận đem lễ vật đến tiến cống, chúc mừng nhà vua đất Việt. Lễ vật không chỉ có những sản vật đặc biệt mà còn có những điệu múa hát đặc sắc của quốc gia, dân tộc, đó là các điệu múa Ai Lao, Ngô Quốc, Hoà Lan (Hoa Lang), Chiêm Thành, Lục Hồn Nhung (Tú Huần). Nhà vua đã ban 5 điệu múa trên cho nhân dân làng Xuân Phả với tên gọi “Ngũ quốc lân bang đồ tiến công”. Hàng năm, vào dịp tế thành hoàng làng Xuân Phả ngày 9 và 10 tháng 2 âm lịch, nhân dân làng Xuân Phả tổ chức lễ hội, biểu diễn các điệu múa hát trên trước sân Nghè, nơi thờ thần Đại Hải Long Vương Hoàng Lang Tướng Quân. Mỗi trò diễn là một câu chuyện, có tính ước lệ cao, thể hiện bằng các hình thức nghệ thuật độc đáo, được chuẩn bị công phu, biểu diễn theo trật tự quy định chặt chẽ.

   Điệu Hoa Lang hay còn gọi là Hòa Lan tái hiện một bộ tộc Cao Ly ở Triều Tiên, đến chúc mừng nhà vua. Điệu Chiêm Thành, thể hiện đoàn của vương quốc Champa tới chúc mừng. Điệu Tú Huần hay còn gọi là điệu Lục Hồn Nhung miêu tả các thế hệ người dân Lục Hồn Nhung, bộ tộc Lục Hồn ở phía bắc nước ta vào chầu, dâng lễ vật. Điệu Ai Lao, thể hiện đoàn vương quốc Vạn tượng xưa do đích thân nhà vua vào chúc mừng, tiến cống Đại Cồ Việt. Điệu Ngô Quốc mang sắc phục và hình tượng người Tàu sang dự lễ hội mừng công của nhà vua Đại Cồ Việt.

   Điểm chung của các trò diễn là các đoàn dù ở đâu, mang hình ảnh tượng trưng cho dân tộc nào thì khi vào đến trước hương án, tất cả đều cung kính hành lễ bái lạy tiền nhân, chúc tụng ngợi ca ơn đức của nhà vua, cầu chúc cho nhà vua và quốc gia luôn thái bình thịnh trị.

   Cũng như các lễ hội khác, trò diễn Xuân Phả là sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân làng Xuân Phả. Trò diễn không chỉ thể hiện ước mơ, khát vọng của nhân dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thanh bình, về lòng tôn kính, tri ân với các bậc tiền nhân mà còn là bức tranh phản ánh lịch sử, chứa đựng cốt lõi là hiện thực cuộc sống và thời đại mà nó ra đời.

   Thông thường các sinh hoạt văn hoá dân gian xưa nay vốn là sinh hoạt mang dấu ấn đặc thù của từng làng xã, cộng đồng, khuôn hẹp trong không gian của làng xã, song giữa Lễ hội làng Xuân Phả, Thanh Hoá, ở lưu vực sông Chu, miền Trung và Lễ hội Hoa Lư, Ninh Bình ở đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam có điểm tương đồng, đó là mở đầu chương trình lễ hội đều có màn múa tái hiện cảnh Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau. Trong Lễ hội Hoa Lư đó là màn “Cờ lau tập trận”, trong Lễ hội Xuân Phả là “Trò kéo hội”, cả hai màn diễn trên ở hai nơi đều do các cháu thiếu niên thực hiện với trang phục cổ xưa và đạo cụ hoa lau.

   So với các lễ hội dân gian khác, trò diễn Xuân Phả là một hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, trong đó, dấu ấn và hình ảnh tượng trưng về văn hoá ngoại quốc khá rõ nét. Đây không đơn thuần là việc giao lưu, tiếp thu, tiếp biến văn hoá giữa các quốc gia, dân tộc mà còn ấn chứa nhiều hàm ý sâu xa của các thế hệ người dân đất Việt.

   Dễ thấy, ở thời kỳ đầu của công cuộc chấn hưng dân tộc, phục hồi quốc thế,  sức ảnh hưởng của nhà nước Đại Cồ Việt khá rõ nét trong khu vực và trên thế giới. Bỏ qua yếu tố truyền thuyết làm gia tăng tính thiêng của thành hoàng làng Xuân Phả và di tích Nghè Đệ Nhất như chuyện thành hoàng làng báo mộng cho sứ giả của vua Đinh, chỉ bảo cách đánh giặc… sẽ thấy cuộc chiến bảo vệ cương giới quốc gia của nhà vua Đại Cồ Việt có sự đồng thuận, hợp lực của đủ ba yếu tố thiên – địa – nhân, khẳng định sức mạnh bất khả chiến bại của quốc gia và triều đình. Sự kiện tổ chức lễ ăn mừng và phong tước vị cho thành hoàng làng Xuân Phả không đơn thuần là sự tri ân người có công giúp vua đánh giặc mà hơn thế, còn khẳng định ngôi thiên tử của nhà vua. Xưa nay, trong quan niệm dân gian của người Việt, thần linh bao giờ cũng ở vị trí ngôi cao, chi phối đời sống sinh hoạt đời thường của con người, nhưng với Đinh Tiên Hoàng Đế, thần linh là người phò tá, trợ giúp, sau chiến thắng, nhà vua phong tước vị cho thần, như phong tước cho các công hầu khanh tướng của mình. Ý nghĩa này, được các triều đại phong kiến sau này sử dụng như một cách khẳng định chính danh thiên tử của người đứng đầu vương triều, đứng đầu quốc gia.

   Việc các nước lân bang mang lễ vật đến chúc mừng, tiến cống nhà vua Đại Cồ Việt trong ngày lễ mừng công tại Nghè Đệ Nhất, làng Xuân Phả hiện tại chưa tìm được tài liệu khoa học lịch sử chính thống để chứng minh song không có nghĩa là sự kiện ấy chưa từng xảy ra trong quá khứ. Bởi mọi sinh hoạt văn hoá, nhất là sinh hoạt mang tính cộng đồng cao như sinh hoạt lễ hội, đều là sự phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đó không đơn thuần biểu hiện mơ ước, khát vọng về cuộc sống sung túc, thái bình và thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc mà còn là sự ghi chép, khắc hoạ lại lịch sử để trao truyền cho các thế hệ tương lai. Xét về vị trí vùng đất Xuân Phả, bao quanh bởi núi cao sông rộng, lại ở xa kinh đô, việc tiếp cận đồng thời với văn hoá của 5 quốc gia, dân tộc lân bang là điều khó lý giải nếu không có sự chủ động “truyền bá” của người bản địa.

   Sự “truyền bá” của người bản địa trên thực tế có thể đến bằng nhiều cách khác nhau, song lý giải bằng việc các nước lân bang mang đến chúc mừng và tiến cống nhà vua đã cho thấy sự thâm thuý, sâu sắc của cha ông ta. Trước hết, để khẳng định, người Việt sẵn sàng giao lưu, tiếp thu các giá trị văn hoá độc đáo của các dân tộc khác và sử dụng văn hoá ngoại quốc như một tác phẩm nghệ thuật dân gian để tạo không khí vui tươi, sinh động trong ngày hội làng, làm giàu thêm đời sống tinh thần cho người dân; Đây cũng như một câu trả lời thầm lặng của cha ông ta, đáp trả lại âm mưu đồng hoá của phong kiến phương bắc bằng cách khẳng định người Việt có thể tiếp nhận nhiều nền văn hoá khác nhau để làm giàu cho văn hoá nước Việt chứ ko riêng gì văn hoá phương bắc; Điều quan trọng hơn, qua việc biểu diễn các tích trò, đã khẳng định vị thế của nhà vua và quốc gia Đại Cồ Việt trên trường quốc tế, Nhà vua được các nước lân bang tôn trọng, vì nể, mang lễ vật và những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình đến chúc mừng, tôn vinh, thể hiện sự ghi nhận của quốc tế với Đại Cồ Việt. Đây cũng là cơ sở để các triều đại phong kiến tiếp theo thường xuyên cập nhật, bổ sung làm đậm nét thêm ý nghĩa này.

   Một yếu tố khác tác giả còn những băn khoăn cần thêm thời gian để tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, đó là tại sao trong Lễ hội Hoa Lư, không có tích diễn nào cho thấy sự xuất hiện của người ngoại quốc khi Đinh Bộ Lĩnh tổ chức lễ đăng quang ở Hoa Lư, nhưng tại Lễ hội Xuân Phả, lễ hội nhắc nhớ sự kiện nhà vua tổ chức lễ mừng công và tri ân người có công giúp vua đánh giặc đã xuất hiện hình ảnh của các nước lân bang đến chúc mừng. Phải chăng, sự kiện đăng quang hoàng đế của Đinh Bộ Lĩnh đánh dấu mốc hoàn thành việc giải quyết các vấn đề nội bộ quốc gia, dân tộc, đó là thực hiện thống nhất quốc gia Đại Cồ Việt, quyết tâm xây dựng quốc gia độc lập, tự chủ, khẳng định tài chiến chinh trận mạc của Đinh Bộ Lĩnh. Việc tri ân người có công, kể cả các bậc linh thần, là việc nghĩa cử, thể hiện ân đức và khả năng thu phục nhân tâm của người đứng đầu quốc gia, dân tộc. Khi người đứng đầu quốc gia, chứng tỏ được tất cả những phẩm cách đó, đã thực sự khiến nhân dân trong nước, quốc tế trân trọng và nể phục. Từ cách diễn trò trong điệu Hoa Lang và Tú Huần, với hình ảnh chúa đất, già làng run rẩy, sợ hãi, bối rối khi vào triều cống, đứng trước anh linh của đức vua và các vị linh thần, có thể liên tưởng đến ý nghĩa biểu tượng rằng, sức mạnh, sự uy phong của nhà vua Đại Cồ Việt đã khiến thủ lĩnh các quốc gia, dân tộc xung quanh không chỉ nể mà còn sợ. Đây cũng là một trong những chi tiết làm tăng thêm ý nghĩa của công cuộc thu phục sứ quân, dựng nền độc lập không chỉ đáp ứng nguyện vọng hoà bình, độc lập của Đại Cồ Việt mà có sức ảnh hưởng quốc tế sâu rộng, việc các quốc gia xung quanh ủng hộ và đến chúc mừng chính là sự thừa nhận nền độc lập tự chủ của Đại Cồ Việt.

   Có thể nói, bàn về vị thế quốc gia của một dân tộc, có rất nhiều cách nhìn nhận từ nhiều chiều kích và nhiều mối quan hệ khác nhau, trong điều kiện ở thế kỷ X, và thời kỳ đầu của Nhà nước Đại Cồ Việt, không có nhiều tài liệu vật chất để nghiên cứu, thì việc tiếp cận lịch sử từ một lễ hội văn hoá dân gian cũng là việc làm cần thiết để mở rộng thêm góc nhìn về đời sống xã hội nước ta trong buổi đầu dựng nền độc lập. Trò diễn Xuân Phả là ảnh xạ của lịch sử về việc tiến cống, chào mừng của những nước lân bang, thể hiện sự bang giao của người Việt với các nước trong khu vực và quốc tế hay chỉ đơn thuần thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc và khát vọng độc lập tự chủ, hùng cường của nước ta thì cần tiếp tục nghiên cứu và lý giải thêm. Với phạm vi hiểu biết và khả năng nghiên cứu còn hạn chế, tác giả mong nhận được các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các vị đại biểu dự hội thảo để tiếp tục hoàn thiện và có những nghiên cứu sâu hơn.

Vũ Thanh Lịch