Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

THÊM 9 DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ DI TÍCH CẤP TỈNH VÀO NĂM 2020

08/02/2021

Ngày 31/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã ký ban hành các quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với 09 di tích, nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lên 369 di tích. Các di tích được xếp hạng năm 2020 gồm:

MIẾU LÀNG PHÚC ĐIỀN, xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn

Miếu được xây dựng năm Ất Mùi (1835), thờ Đương cảnh Thành hoàng Hứa Tông Đạo: một đạo sĩ người Phúc Kiến, nước Tống, đến lập nghiệp ở Đại Việt vào đời Trần. Ông chuyên nghề thuốc, thuật phù thủy, chữa bệnh, làm phúc cho nhân dân; Thần Bản thổ Vũ Huy Trác, quê ấp Lộng Điền, đạo Sơn Nam, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 (1772) đời vua Lê Hiển Tông, làm quan Hàn lâm viện Thị giảng, Lễ bộ Tả thị lang kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp, Huấn đạo phủ Tiên Hưng, Tham chính Thanh Hoa và Kinh Bắc, Hiến sát Nghệ An, Đốc trấn Lạng Sơn, giám quân đạo Sơn Nam… Là một vị quan có thực tài, thương dân, biết giữ nghiêm phép nước; Thần Tiêu Sơn Độc Cước: trước đây được thờ ở miếu chung xóm 2. Đầu thế kỷ XX miếu bị hư hỏng, nhân dân trong xóm rước bài vị và bát hương về thờ chung tại miếu làng Phúc Điền; Cụ Chiêu mộ Vũ Văn Khương, 15 vị nguyên mộ, 24 vị thứ mộ, là những vị có công khai khẩn đất hoang, lập nên ấp Phúc Điền vào đầu thế kỷ 19.

Miếu tọa lạc tại phía bắc khu dân cư làng Phúc Điền, trên mảnh đất có diện tích 1257,5m2, thuộc xóm 1 xã Quang Thiện, tách biệt với khu dân cư, xung quanh là ruộng lúa, hồ nước. Miếu được xây dựng theo kiến trúc chữ nhị, gồm 3 gian Tiền đường và 3 gian Hậu cung. Kiến trúc tường hồi bít đốc. Di tích tuy mới phục dựng, nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống. Tòa Tiền đường và Hậu cung đều gồm 3 gian, tường hồi bít đốc, xây dựng theo lối kiến trúc tường xây gạch, hệ mái bằng gỗ kiểu cổ đẳng gác tường.

Tại di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: 7 đạo sắc phong thời Nguyễn, mũ thờ, hia thờ, bài vị, bát hương, tượng thờ, kiệu cổ… được trang trí bằng nghệ thuật chạm khắc tinh xảo.

ĐỀN VUA THÀY, xã Khánh An, huyện Yên Khánh

Tương truyền di tích được xây dựng từ thời nhà Đinh, thờ Bản thổ Địch Lộ Tổ Sư Đại thần, có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, chữa bệnh cho Hoàng tộc, được Vua Đinh phong là “Thái y Phúc Trạch Đại vương”. Ông mở trường dạy học, bốc thuốc cứu người, nhân dân tôn kính gọi là vua Thầy, lập đền thờ để thờ tự.

Di tích được xây dựng theo kiểu “Tiền nhất hậu Đinh”, gồm 5 gian Tiền đường, 5 gian Trung đường, 2 gian Hậu cung, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói vẩy. Hiện nay, toà Trung đường và Hậu cung còn giữ được khá nguyên vẹn kết cấu, kiến trúc gốc thời Nguyễn với các mảng chạm khắc tinh tế, cầu kỳ.

Di tích còn lưu giữ được khá nhiều đồ thờ tự, trong đó có những tư liệu, hiện vật quý như: 04 sắc phong cho Địch Lộ Tổ sư Đại thần và chuẩn cho thôn xã thờ phụng; 02 bia đá năm Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904) ghi lại việc tu sửa, tôn tạo, xây dựng di tích và tên những người hưng công, cúng tiến và các long ngai, bài vị, bát hương cổ.

ĐÌNH LÀNG YÊN LIÊU THƯỢNG, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô

Đình thờ Thành hoàng làng Yên Liêu Thượng: Đại Đức Thành hoàng, Lực Lộ Phổ huệ, Uy Dũng Cương nghị, Minh Tín Linh Ứng chi thần, Bắc Trấn Long Vương Kim Quy Chúa Tể, Nhị vị Hậu Thần: Trần Công, Lã Hữu Lý. Di tích được xây dựng khoảng thế kỷ 17 và được trùng tu, tôn tạo nhiều lần: Năm Bính Thìn hoàng triều Tự Đức (1856), Năm hoàng triều Thành Thái thứ 2 (1890); Năm Giáp Ngọ niên hiệu Thành Thái (1894) và được nhân dân thường xuyên tu bổ, tôn tạo, giữ gìn, là nơi sin hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân trong làng.

Đình có kiến trúc chữ Nhị (=), gồm 5 gian Tiền đường, 5 gian Hậu cung, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói vẩy. Toà Tiền đường còn giữ được nguyên vẹn kết cấu, kiến trúc gốc thời Nguyễn. Di tích còn lưu giữ được 02 sắc phong, cùng nhiều long ngai, bài vị, bát hương, câu đối, đại tự, kiệu, mũ thờ...

PHỦ ĐÌNH ĐÔNG, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô

Di tích Được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX theo lối kiến trúc chữ Nhất (-), thờ Ngọc Hoa công chúa – con vua Hùng thứ 18, vợ Sơn Tinh (Tản Viên); Thành hoàng bản thổ; Các anh hùng liệt sỹ là người làng

Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, phủ Đình Đông là cơ sở hội họp, hoạt động của dân quân du kích; Năm 1949, đồng chí Đỗ Mười chỉ đạo Chi bộ Côi Trì tổ chức họp rút kinh nghiệm chống càn quét và xây dựng kế hoạch hợp đồng kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, nơi đây là kho lương thực của Hợp tác xã Mỹ Hòa (1965 - 1968)

Di tích được nhân dân trùng tu tôn tạo nhiều lần, gần nhất là năm 2018. Hiện nay, phủ Đình Đông còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như câu đối, đại tự, nhang án… đặc biệt là 02 bia đá thời Nguyễn, nội dung văn bia ghi lại quá trình trùng tu, tôn tạo và công đức xây dựng Phủ.

PHỦ NÚI CẤM, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô

Phủ được xây dựng khoảng trước Chiêu Thống năm thứ nhất (1787), thờ Cung phi Hoàng hậu Phương Dung Công chúa. Bà chúa Bản phương (hay Bà chúa Bản đền). Di tích có quy mô nhỏ, nằm ở chân núi, cảnh quan đẹp.

Di tích còn lưu giữ 03 đạo sắc phong cho thần: đạo sắc niên hiệu Chiêu Thống thứ nhất (1787); niên hiệu Quang Trung thứ 5 (1792) và niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) và nhiều hiện vật đồ thờ tự quý như: tượng, long ngai, bài vị, bát hương, chuông , 11 sắc phong của các triều đại từ vua Lê Chiêu Thống (1787), đến vua Khải Định (1924) còn nguyên vẹn. 

NHÀ THỜ PHẠM ĐÌNH CHÂN, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô

Di tích được xây dựng năm 1877, thờ Cụ Phạm Đình Chân, làm quan thời Hậu Lê, giữ chức “Đô uý”, tước “Yên Thắng Bá” và tổ tiên dòng họ Phạm Đình thôn Yên Tế, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Di tích có kiến trúc kiểu chữ nhị (), 5 gian Tiền đường và 3 gian Hậu cung cuốn vòm, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói vẩy. Hiện nay, toà Tiền đường còn giữ được kết cấu, kiến trúc gốc thời Nguyễn

Di tích lưu giữ khá nguyên vẹn đồ thờ tự, tư liệu, hiện vật: 01 sắc phong thời Nguyễn cho cụ Phạm Đình Chân, 04 bằng sắc của hậu duệ cụ Phạm Đình Chân, long ngai, bài vị, bát hương…

MIẾU BỒ ĐỀ, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn

Miếu được xây dựng năm Thành Thái 15 (1903), thờ Thần Nam Đạo Bản thổ; Bà chúa Bản phương: vị hiệu của thần là Đào Hoa thần nữ uy linh. Di tích còn lưu giữ 02 đạo sắc phong, đạo sắc niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917) phong cho thần là Trung đẳng thần; đạo sắc niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) gia tặng mỹ tự là Hàm quang Thượng đẳng thần.     

Kiến trúc truyền thống, kiểu chữ đinh, quy mô nhỏ, gồm hai toà: Tiền đường và Hậu cung, kết cấu gỗ, tường xây gạch, mái lợp ngói mũi hài. Các mảng khối kiến trúc bằng gỗ với các mảng chạm hình rồng, tứ linh, tứ bình mang đậm phong cách nghệ thuật truyền thống. Ngoài 2 đạo sắc phong thời Nguyễn, di tích còn lưu giữ được bài vị, nhang án, kiệu cổ trang trí bằng nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo.

ĐỀN QUAN THÁI BẢO, xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn

Đền Quan Thái Bảo được xây dựng trước năm 1911, thờ Quan Thái Bảo Định Quận công và Thần bản thổ, là vị thần cai quản đất đai. Di tích xây dựng theo kiểu chữ đinh, 3 gian Tiền đường, 2 Hậu cung chạy dọc, tường hồi bít đốc. Các hệ thống cột, vì kèo làm bằng gỗ lim. Hệ thống vì nóc, vì nách làm theo kiểu ván mê có trạm khắc hoa văn tinh xảo, còn nguyên vẹn kiến trúc cũ.

Tại di tích còn lưu giữ được những tư liệu, hiện vật quý như: 03 sắc phong của các triều vua Nguyễn, 02 bản gỗ ghi văn tế 9 khúc (cửu khúc), long ngai, bài vị, kiệu song hành và các đồ thờ tự bằng đồng, sứ…

ĐÌNH, ĐỀN, CHÙA KIM ĐÔI, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan

Di tích thuộc làng Kim Đôi, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, vùng đất thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, thiên tai. Đền, trước đây có kiến trúc, gồm 3 gian Tiền đường và Hậu cung (hiện nay chỉ còn gian Hậu cung và nền móng 3 gian Tiền đường); Chùa gồm 3 gian Tiền đường và 1 Hậu cung.

Thượng lương lưu giữ tại di tích ghi: “Ngày lành tháng 9 năm Kỷ Sửu niên hiệu Thành Thái (1889)”. Như vậy, di tích có trước năm 1889.

Tại Đình: thờ Tam vị Thánh Tản, Đức Phương Phi Hoàng Hậu, Phương Rong Công chúa, Phương Tư Phu nhân, Sơn Tinh công chúa; Tại Đền: thờ Đức Đại vương Thành hoàng làng, Bản xứ, Thần bản thổ; Tại Chùa: thờ Phật.

Tại di tích còn lưu giữ được: Long ngai, bài vị, bát hương, các đồ thờ tự bằng đồng, sứ và các mảng chạm khắc tinh tế của vì kèo, đầu bẩy, vỉ nóc mái của tòa tiền đường cổ.

PHÒNG QUẢN LÝ DI SẢN VĂN HÓA