Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Một số kết quả nghiên cứu ban đầu về vai trò, vị trí, chức năng của Hành đô Sơn Lai thời kỳ đầu Nhà nước Đại Cồ Việt

17/12/2020

Cố đô Hoa Lư cũng như các kinh đô khác đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu sâu sắc của các nhà nghiên cứu trong, ngoài nước ở nhiều khía cạnh khác nhau song bức tranh toàn cảnh về lịch sử Hoa Lư ở thế kỷ X vẫn còn những khoảng tối, được dẫn dụ bằng nhiều huyền tích, huyền sử, trong đó khoảng trống phía trước kinh thành Hoa Lư là một ẩn số khá thú vị, ít được đề cập đến trong các nghiên cứu xưa nay. Nhiều năm qua, các nghiên cứu chuyên môn ở Ninh Bình về giai đoạn lịch sử thế kỷ X đều tập trung vào chiến công của Đinh Bộ Lĩnh và vai trò của kinh đô Hoa Lư trong thời kỳ xây dựng và củng cố đất nước sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Kết quả cho thấy địa hình, địa thế Hoa Lư thế kỷ X không phải là chốn thị tứ hay khu vực đông dân cư, không có các điều kiện vật chất căn bản để xây dựng trị sở hành chính quan trọng. Những vấn đề về công cuộc chuyển mình của Hoa Lư từ vùng sình lầy hoang vắng được bao bọc bởi bốn bề núi non thành kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt non trẻ đã ít nhiều được nhắc đến trong một vài nghiên cứu về lịch sử, địa chất, cảnh quan và hầu hết đều có chung nhận định đã từng có một vị trí được lựa chọn gần với Hoa Lư để chuẩn bị mọi điều kiện cho việc xây dựng kinh đô Hoa Lư, và là vùng ngoại ô có ý nghĩa chiến lược trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước ở giai đoạn này.

Trên cơ sở xác định hành đô là nơi chuẩn bị các điều kiện về con người, vật chất, kỹ thuật, quân sự, một “tổng hành dinh” tạm thời cho kinh đô, tác giả báo cáo tham luận một số nghiên cứu ban đầu về vai trò, vị trí, chức năng của Hành đô Sơn Lai thời kỳ đầu Nhà nước Đại Cồ Việt.

         1. Tổng quan về Hành đô Sơn Lai

Hành đô Sơn Lai giới hạn trên địa bàn các xã Sơn Lai, Quỳnh Lưu huyện Nho Quan và xã Gia Sinh huyện Gia Viễn, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 8km về phía tây bắc, cách bờ biển Đông ở cửa sông Hồng khoảng 75km về phía tây, ở cửa sông Đáy khoảng 40km về phía bắc, cách cửa biển Thần Phù cổ khoảng 27km, cách biên giới Việt – Lào khoảng 135km về phía đông, cách biên giới Việt – Trung ở cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn 200km về phía tây nam, cách đèo Ngang 250km về phía bắc, ở phía đông Hành đô Sơn Lai tiếp giáp với kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X qua khối núi đá vôi Hoa Lư.

Thời Bắc thuộc, vùng đất này thuộc huyện Võ Công, quận Cửu Chân. Thời Đinh – Tiền Lê vùng đất này thuộc phủ Trường Yên. Năm 1226, nhà Trần lên thay nhà Lý vùng đất này thuộc chốn Thiên Quan. Niên hiệu Quang Thái thứ X (1397) đổi chốn Thiên Quan thành phủ Thiên Quan. Năm Tự Đức thứ XV (1862) đổi thành phủ Nho Quan. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, là xã Phúc Lai, tổng Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan. Năm 1977, vùng đất này thuộc huyện Hoàng Long tỉnh Hà Nam Ninh. Từ năm 1994 đến nay Hành đô Sơn Lai thuộc các xã Quỳnh Lưu, Sơn Lai thuộc huyện Nho Quan, xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Kinh đô Hoa Lư xưa, tức khu di tích Cố đô Hoa Lư hiện nay nằm trên địa bàn giáp ranh giới các huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình. Sách Đại Việt sử ký toàn thư mô tả: "Hoa Lư là nơi núi non trùng điệp. Núi trong sông, sông trong núi. Căn cứ thủy bộ rất thuận tiện. Sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa nữa là biển cả... Nơi đây non sông tráng lệ, phong thủy hài hòa, xứng đáng chọn để dựng đô được."

Đây là vùng đất phù sa cổ ven chân núi có con người cư trú từ rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trầm tích có xương răng đười ươi và các động vật trên cạn thuộc sơ kỳ đồ đá cũ thuộc nền văn hóa Tràng An và một số hang động có di chỉ cư trú của con người thời văn hoá Hoà Bình. Sau thời kỳ văn hoá Hoà Bình, vùng đồng đất này là nơi định cư của con người thời đại đồ đá mới Việt Nam. Quần thể di sản thế giới Tràng An ở Hoa Lư còn lưu giữ nhiều di vật của người tiền sử từ 30.000 năm trước, dấu tích của các triều đại, kinh đô xưa. Cách nay từ 251 đến 200 triệu năm, Tràng An vốn là vùng biển cổ. Các hang động kasrt đặc sắc nằm ngang xuyên qua lòng các dãy núi lớn, ngập nước thường xuyên ở đây được hình thành cách đây 4.000 năm.

Vùng đất này thời Hồng Bàng thuộc bộ Quân Ninh. Thời An Dương Vương, vùng này thuộc bộ lạc Câu Lậu. Từ thời thuộc Hán qua Tam Quốc đến thời Nam Bắc triều, vùng cố đô Hoa Lư thuộc huyện Câu Lậu, quận Giao Chỉ. Sang thời thuộc Đường, vùng này thuộc Trường châu

Trong thời nhà Ngô, vùng này là nơi cát cứ của Đinh Bộ Lĩnh. Ông ly khai đã đẩy lui thành công cuộc tấn công của chính quyền trung ương Cổ Loa năm 951 do 2 anh em Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập và Nam Tấn vương Ngô Xương Văn đích thân chỉ huy. Cho tới khi nhà Ngô mất, nơi đây vẫn là vùng cát cứ bất khả xâm phạm của Đinh Bộ Lĩnh.

2. Vai trò, vị trí, chức năng của Hành đô Sơn Lai ở thế kỷ X

2. 1. Hành đô Sơn Lai là nơi tập hợp và củng cố lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh

Theo các nguồn sử liệu đã công bố, có thể tóm lược vài nét về Đinh Bộ Lĩnh như sau: Ông sinh năm 924, là con trai của Thứ sử Hoan châu Đinh Công Tráng và mẹ là người họ Hoàng ở Đàm Gia. Khoảng năm 940-942 Đinh Bộ Lĩnh nối cha giữ chức Thứ sử Hoan Châu được giữ chức Ngự phiên đô đốc, không lâu sau, Đinh Công Tráng mất, Đinh Bộ Lĩnh thay cha giữ chức Hoan châu Thứ sử. Trong khoảng thời gian này, triều đình nhà Ngô có nhiều bất ổn, đất nước loạn lạc. Từ năm 951, Đinh Bộ Lĩnh đẩy mạnh xây dựng quân đội ở Hoa Lư, ngầm liên lạc với các lực lượng khác để gia tăng sức mạnh. Năm 965 Ngô Xương Văn mất tạo nên biến động quan trọng trên chính trường nhà Ngô, thế và lực của Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư đã trở nên hùng mạnh, đủ điều kiện để thống nhất sứ quân vào năm 968.

Như vậy trong khoảng thời gian từ trước năm 951 đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã chọn vùng Hoa Lư làm căn cứ quân sự. Theo các nghiên cứu điền dã và các nguồn sử liệu dân gian ở vùng Ninh Bình có thể thấy địa bàn hoạt động của Đinh Bộ Lĩnh khá rộng lớn. Có thể nằm dọc theo hai bờ tả ngạn sông Bôi, từ động Hoa Lư (Gia Hưng, Gia Viễn ngày nay) xuôi về Trường Yên (Hoa Lư ngày nay), trong đó, vùng đất Sơn Lai với lợi thế quan trọng về địa hình đã được chọn là cứ điểm quân sự quan trọng của Đinh Bộ Lĩnh.

Các nguồn sử liệu dân gian cho biết, trước năm 951, khi Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn vây đánh Đinh Bộ Lĩnh, mang theo con trai trưởng của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Liễn làm con tin, treo lên cây sào đòi Đinh Bộ Lĩnh đầu hàng nhưng không uy hiếp được Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn đành rút quân về. Truyền thuyết “Triều đình Cổ Loa đánh thành Hoa Lư” cũng chép rằng “Quân lính do thám của triều đình từ Hoa Lư về bẩm báo với hai Vương là Đinh Bộ Lĩnh đang tích cực xây thành đắp lũy khá kiên cố, quân số đã có tới dăm bảy vạn người, khí thế mạnh mẽ lắm”. Quá trình điều tra điền dã tại Sơn Lai, người dân địa phương cho rằng Đinh Bộ Lĩnh cho xây thành đắp luỹ ở đây ngay từ sau khi Ngô Quyền mất.

Trên địa bàn các xã Sơn Lai, Quỳnh Lưu ngày nay còn một số tên địa danh gắn với việc chiêu mộ và luyện tập binh sĩ như núi Đầu Quân (dãy núi là nơi các binh sĩ tập trận), đá Vua Ngự (hòn đá lớn vuông vức xung quanh có 4 hòn đá nhỏ hơn, tương truyền là nơi vua Đinh ngự duyệt binh), Đồi Thờ (nơi được người dân địa phương kể lại là nơi vua Đinh làm lễ tế trời đất trước mỗi trận đánh). Bên cạnh đó còn rất nhiều địa danh có từ “Bái” đi kèm. Theo lý giải của người dân địa phương và các truyền thuyết về thời kỳ này thì mỗi lần vua Đinh Bộ Lĩnh đến “thăm”, “kiểm tra” việc rèn luyện của binh sĩ, quân lính đều cúi đầu bái lạy, do vậy các địa danh trong vùng đều được gắn thêm chữ “bái” như: Giếng Bái, Làng Bái, đồng Bái, Bái Lĩnh, Bái Ân…

Việc lựa chọn nơi đây làm cứ điểm quân sự không chỉ trong thời gian tập hợp lực lượng chuẩn bị thống nhất đất nước mà còn kéo dài trong suốt quá trình xây dựng củng cố nhà nước Đại Cồ Việt sau này.

2.2. Hành đô Sơn Lai là kinh đô dã chiến, là trị sở của bộ máy chính quyền mới, là đại công trường trong thời gian xây dựng kinh đô Hoa Lư  

Năm 968 Đinh Bộ Lĩnh thống nhất sứ quân, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư làm kinh đô. Như đã nói ở trên, Hoa Lư vốn là cứ điểm quân sự hiểm yếu trong khi yêu cầu của một kinh đô là bên cạnh các yếu tố hiểm yếu, vững chãi, còn đảm bảo các điều kiện để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và thuận lợi để thực hiện bang giao với ngoại quốc. Việc xây dựng, mở mang để Hoa Lư đảm bảo được các yêu cầu trên đòi hỏi phải có tích luỹ về thời gian, các phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất, các nguồn nhân lực, tài lực, vật lực thiết yếu. Quá trình tích luỹ này được diễn ra chủ yếu tại hành đô Sơn Lai. Trải qua hơn 10 thế kỷ, các dấu vết vật chất còn lại rất mờ nhạt song không phải là không có.

Tại địa bàn các xã Sơn Lai, Gia Sinh, Quỳnh Lưu ngày nay còn lưu lại khá nhiều địa danh cổ gắn với hành trạng của Đinh Bộ Lĩnh trong thời gian này.

Về tên núi: Bên cạnh núi Đầu Quân, Đá Vua Ngự đã nhắc đến ở trên, vùng Sơn Lai còn có núi Vua Đinh. Núi Vua Đinh được ghi trong sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, là dải núi nằm trên địa bàn hai thôn Me và Lược có hình dáng như con rồng uốn quanh các hướng Bắc, Đông, Nam vùng Sơn Lai. Đoạn giữa gọi là Luỹ Vua tương truyền là do Vua Đinh cho đắp thành bằng đất đá hỗn hợp nối hai quả núi đầu rồng và đuôi rồng thành chiến luỹ kiên cố bao bọc quanh một thung lũng rộng, cao ráo, bằng phẳng, thung lũng này được chọn là nơi đặt đại bản doanh của Đinh Bộ Lĩnh. Ở hai đầu dãy núi Vua Đinh có hai quả núi lẻ gọi là núi Chuông và núi Trống, là nơi treo chuông, trống cảnh giới và hiệu lệnh của quân cấm vệ.

Tại làng Sưa, xã Sơn Lai, địa danh Hang Sưa gắn với sự tích nơi đây là hang động tập kết gỗ sưa để xây cất cung điện. Thời gian làm việc kéo dài nên thợ được đưa gia đình đến sinh sống ở đây. Sau này khi cung điện hoàn tất, các gia đình ở lại làng lập xóm gọi là làng Sưa. Làng Sưa cùng với làng Chàng, làng Vẽo cũng là nơi trồng nhiều loại gỗ quý như sưa, lim, lát. Hàng năm 3 làng chung nhau tổ chức “hội tiến gỗ” để ghi nhớ sự kiện các làng trồng gỗ quý tiến vua xây dựng kinh thành.

Tên gọi Làng Kho xã Phú Lộc, huyện Nho Quan tương truyền là nơi vua Đinh xây dựng kho quân lương của triều đình.

Tại xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, sự tích về tên các địa danh cũng đậm đặc dấu vết của vua Đinh Tiên Hoàng và hoạt động của triều đình. Tên gọi Đồi Thờ ở làng Lát được truyền lại là do nơi đây vua Đinh lập đàn tế trời đất, cầu cho vạn sự thắng lợi, đất nước an hoà; Tên gọi thôn Đồi Dâu tương truyền là nơi vua Đinh cho trồng dâu nuôi tằm dệt vải cho cung đình. Sau này nơi đây vẫn duy trì nghề trồng dâu nuôi tằm đến suốt thời kỳ Pháp thuộc. Ngày nay trong các lễ hội hàng năm, người dân địa phương còn duy trì việc làm lễ cúng tế vua Đinh, các tướng lĩnh nhà Đinh và thần Cây Dâu.

Trên địa bàn xã Gia Sinh huyện Gia Viễn, nơi tiếp giáp với Luỹ Vua mỗi ngọn núi đều có tên gọi gắn với hoạt động của bộ máy chính quyền và quân đội triều đình. Người dân giải thích về tên gọi các ngọn núi như sau: Núi Văn là nơi xưa kia quan văn ở, làm việc, dạy học; núi Võ là nơi ở của võ quan triều đình, cũng là nơi binh lính luyện tập võ nghệ; núi Án Mã là nơi tập kết và huấn luyện ngựa chiến; đồi Voi là nơi huấn luyện voi chiến; đồi Lều là nơi dựng lều đóng quân của binh lính…

Cũng ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tên gọi Đồi Lăng được truyền rằng đây là chốt đóng quân cẩn mật, trọng yếu trên con đường thượng đạo từ Thanh Hoá ra Hoa Lư và các tỉnh Bắc bộ.

Theo truyền ngôn, núi Bái Đính được cao tăng thời Đinh lập đền thờ Thần Cao Sơn để trấn ải phía Tây nam kinh thành Hoa Lư.

Bên cạnh những sự tích truyền ngôn trên, các nghiên cứu tư liệu Hán Nôm, di sản phi vật thể, di tích cũng cho thấy tại vùng đất này dày đặc các di tích, các lễ hội có cúng tế vua Đinh và quần thần. Kết quả thăm dò khảo cổ học tại các điểm Đình Lược, Đá Vua Ngự, Đồi Thờ, Thành Hẻo, Đình Sưa, Đền Thượng Thái Sơn… phát hiện dấu vết của các công trình tôn giáo tín ngưỡng lớn thờ phụng vua Đinh và trung thần, các công trình cũ chỉ còn dấu vết nền móng, gạch ngói vỡ. Gần đây người dân đã xây dựng lại một ngôi đền thờ nhỏ để nhân dân đến chiêm bái, hành lễ. Kết quả khai quật khảo cổ ở di tích Đền Lăng công chúa xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn cho thấy khối lượng lớn các mảnh gạch ngói, đồ trang trí bằng đất nung, kết luận bước đầu là dấu tích của một công trình kiến trúc thế kỷ X. Khu vực đền Lăng công chúa nằm ở vị trí tiếp giáp với kinh thành Hoa Lư, theo truyền ngôn nơi đây thế kỷ X là một trong bốn cửa ngõ của kinh thành. Kết qủa phân tích thạch học cũng cho thấy đất, đá vùng Sơn Lai nơi này có cùng chất liệu với vật liệu tôn tạo và xây dựng cố đô Hoa Lư. Đây là một trong những minh chứng quan trọng cho thấy phần lớn vật liệu xây dựng ở kinh đô Hoa Lư có xuất xứ ở vùng Sơn Lai. Giả thiết nơi đây là công xưởng lớn để xây dựng kinh thành Hoa Lư không phải là không có căn cứ.

2.3. Hành đô Sơn Lai là nơi tiếp đón và dưỡng sức cho sứ thần các nước lân bang trước khi vào kinh đô Hoa Lư yết kiến nhà vua.

Các nguồn sử liệu và các nghiên cứu văn hoá dân gian từ vùng Thanh Hoá, Nghệ An đến Ninh Bình cho thấy ở thế kỷ X, Nhà nước Đại Cồ Việt xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với lân bang. Theo hồ sơ di sản phi vật thể Trò Diễn Xuân Phả ở Thọ Xuân Thanh Hoá thì sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, thế lực hùng mạnh, ân đức cao dày khiến các nước lân bang vô cùng kính ngưỡng, đã mang các sản vật đặc sắc của xứ sở mình sang tiến cúng và chúc mừng. Các truyền thuyết ở vùng Sơn Lai, Quỳnh Lưu, Phú Lộc cũng nói đến việc bang giao với láng giềng của triều đình nhà Đinh.

Về tên gọi thôn Độc Trang xã Sơn Lai huyện Nho Quan, tương truyền đây là nơi vua Đinh cho dựng một toà nhà lớn làm nơi ăn nghỉ cho sứ thần các nước lân cận như Tống, Chiêm Thành, Chân Lạp, Vạn Tượng, Tú Nhuần… khi họ sang bái yết, dâng quốc thư, tiến cống sản vật quý… Thôn Độc Trang nằm quanh chân núi Thái Sơn, một ngọn núi lớn trong vùng, sau này dân cư đông đúc, thôn đổi tên là thôn Thái Sơn.

Tiếp giáp với thôn Thái Sơn có địa danh Chợ Quán (thôn Đồi Dâu, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan), người dân địa phương truyền lại rằng đây là nơi triều đình Hoa Lư đón tiếp sứ thần các nước đến Hoa Lư giao hảo và triều cống.

3. Đánh giá bước đầu

Qua các sử liệu thu thập được trên đây có thể thấy rằng, mặc dù thời gian tồn tại không dài, lại là vùng đệm, vùng tạm cứ của kinh đô cách ngày nay hơn 1000 năm, các dấu vết vật chất còn lại quá mờ nhạt song giả thiết về Hành đô Sơn Lai là có căn cứ. Hành đô Sơn Lai được hình thành từ khi Đinh Bộ Lĩnh bắt đầu xây dựng, củng cố lực lượng sau khi Ngô Quyền mất. Thời kỳ này, nơi đây là đại bản doanh của quân đội cờ lau áo vải, nơi tập hợp lực lượng, rèn luyện binh sĩ. Trong công cuộc thống nhất, bình định các sứ quân, Hành đô Sơn Lai là sở chỉ huy của Đinh Bộ Lĩnh. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh hoàn thành dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, xây dựng kinh đô Hoa Lư, Hành đô Sơn Lai tiếp tục là căn cứ quân sự của nhà nước Đại Cồ Việt, đồng thời là trị sở tạm thời trong thời gian xât dựng cung điện ở Hoa Lư. Cũng trong thời gian này, Hành đô Sơn Lai là đại công trường, nơi tập kết, sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ xây dựng kinh đô, đây cũng là nơi nhà nước nghênh đón sứ thần các nước lân bang trước khi vào kinh thành thực hiện các nghi thức ngoại giao. Sự tồn tại của hành đô Sơn Lai kéo dài từ khi Ngô Quyền mất đến khi nhà Lý dời đô về Thăng Long và có vị trí quan trọng trong quá trình hình thành, xây dựng, phát triển Nhà nước Đại Cồ Việt.

Vũ Thanh Lịch