Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

MỘT SỐ HÌNH THỨC TÔN VINH DANH NHÂN VÀ NGHI THỨC TÔN VINH ĐỨC THÁNH NGUYỄN Ở NINH BÌNH

27/03/2020

Danh nhân vốn là những người có tài đức hơn người, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng, của đất nước, của dân tộc, có sức ảnh hưởng quan trọng không chỉ ở đương thời mà còn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ về sau. Việc tôn vinh danh nhân ở Việt Nam không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn trọng và đề cao tài đức của con người mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Các di sản vật chất, tinh thần như thành quả lao động của danh nhân cống hiến trong đương thời, để lại cho hậu thế là tài sản vô giá cho các thế hệ sau kế thừa và phát huy. Song tồn bên cạnh đó là các hoạt động tôn vinh của người dân các thế hệ, tạo thành thói quen sinh hoạt, tạo thành nền nếp gia phong, lớn hơn nữa là tạo thành truyền thống văn hóa của dân tộc. Đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên, biết ơn những người đi trước.

Người Việt Nam xưa nay trong quá trình lao động sáng tạo của mình đã không ngừng làm giàu có thêm các tri thức văn hóa nói chung, các hình thức, nghi thức tôn vinh danh nhân nói riêng, tạo nên nét văn hóa độc đáo riêng có của dân tộc.

1. Một số hình thức tôn vinh danh nhân xưa nay

Ngay từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã đặc biệt coi trọng việc tôn vinh danh nhân, coi đây vừa là cách truyền tải tri thức xã hội, vừa là cách bảo vệ bộ gen di truyền làm nên đặc trưng văn hóa dân tộc. Các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết từ thời Hùng Vương đến sau này và dấu vết của các nhân vật thần thoại, truyền thuyết này được thực thể hóa thành các vật thể bất biến gắn với tự nhiên như tên núi, tên sông, tên làng, tên phố, các đền chùa miếu phủ, các hiện vật phục vụ đời sống sinh hoạt hằng thường của con người hoặc được hiển hiện trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân các thế hệ là minh chứng rõ nét.

Trong xã hội phong kiến, nhất là từ khi có chữ viết, việc tôn vinh lịch sử, tôn vinh danh nhân không dừng lại ở các câu chuyện kể truyền miệng nữa mà được vật chất hóa bằng cách ghi chép vào sử sách, tạc bia đá lưu truyền lại, cấp sắc phong thần. Việc phong thần được thực hiện từ thời vua Lê Thánh Tông đến hết thời Nguyễn và được chia thứ bậc rõ ràng. Đến nay, căn cứ sắc phong thần còn lưu giữ lại có thể thấy thời các vua Lê, vua Nguyễn phong thần theo ba thứ bậc là: thượng đẳng thần, trung đẳng thần và hạ đẳng thần. Không chỉ ban sắc, phong thần, triều đình phong kiến còn cho dựng đình, đền, miếu, phủ để thờ phụng, cấp ruộng đất và cắt cử người trông nom, cai quản, những người này sẽ được canh tác trên phần đất của đình, đền, miếu, phủ đó và dùng hoa lợi canh tác được để chi phí cho các hoạt động cúng lễ, tu sửa giữ gìn nơi thờ phụng. Các điểm thờ cúng này dần trở thành một thiết chế văn hóa ổn định phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư và các tài liệu ghi chép thu thập được, có thể tóm tắt các hình thức tôn vinh danh nhân ở nước ta trong lịch sử như sau:

- Truy phong tước hiệu, phong chức, tước;

- Ban thưởng bằng thơ văn, ban mỹ tự, ghi danh bia đá, lập đền thờ;

- Ban thưởng bằng hiện vật, điền thổ, ban thưởng cho người thân, gả công chúa, cho làm phò mã;

- Ghi danh sử sách, tạc tượng, vẽ hình;

- Ban quốc tính (ban cho được theo họ của vua)

- Thực hiện các nghi lễ thờ cúng, tế lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất để tưởng niệm.

Và các danh nhân được tôn vinh thường là người có công đánh giặc ngoại xâm, xây dựng đê điều, trừng trị kẻ gian ác, cướp bóc, bảo vệ xóm làng…; Người thông minh tài trí, đỗ đạt cao, có tài văn chương, có tài ngoại giao, có bàn tay khéo léo, có tài ca múa; Người có đức độ, làm quan liêm khiết, tính tình ngay thẳng, phụ nữ đức hạnh; Người truyền nghề cho nhân dân làm ăn mở mang kinh tế… và rất nhiều lý do khác.

Sang thời kỳ Đổi mới xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã duy trì, đổi mới các hình thức tôn vinh truyền thống và thực hiện các biện pháp tôn vinh mới như: xây dựng các nhà lưu niệm, nhà bảo tàng, dựng tượng danh nhân, sử dụng tên danh nhân đặt cho các đường phố, địa danh, trường học… và các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Việc thực hiện tôn vinh danh nhân đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đồng thời là động lực để thúc đẩy nỗ lực sáng tạo, vươn lên hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước.

2. Đức Thánh Nguyễn - Thiền sư Nguyễn Minh Không và những hình thức tôn vinh của người dân Ninh Bình

Đức Thánh Nguyễn tên thật là Nguyễn Chí Thành, về ngày tháng năm sinh của ngài đến nay còn nhiều điểm chưa thống nhất giữa các tài liệu, chỉ chắc chắn rằng ông sinh ở làng Điềm Xá, châu Đại Hoàng, phủ Trường Yên, nay là huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, mất năm 1141 tại núi Tam Viên, xã Hán Lý, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, hưởng thọ trên 70 tuổi. Ông là vị cao tăng đứng đầu tổ chức Phật giáo của triều đại nhà Lý, là thày thuốc giỏi, cứu chữa cho muôn dân, chữa khỏi bệnh nan y cho vua Lý Thần Tông, được vua Lý Thần Tông phong là Quốc sư, được đổi từ họ Nguyễn sang họ Lý của vua, người đời sau gọi ông là Lý Quốc sư, nhân dân yêu mến vinh danh ông là Đức Thánh Nguyễn, một trong bốn vị Thánh bất tử của Việt Nam. Ông cũng là người đầu tiên được ghi trong sử sách về việc luyện và đúc đồng, được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng ở Việt Nam. Các đền thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không phân bố ở hầu khắp các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc bộ.

Từ các tư liệu thu thập được, có thể thấy các hình thức tôn vinh mà Nhà nước và nhân dân dành cho Nguyễn Minh Không gồm:

- Phong chức tước: vua Lý Thần Tông phong là Quốc sư

- Ban cho họ của vua: được vua Lý Thần Tông cho đổi sang họ Lý, người đời sau thường gọi ông là Lý Quốc Sư

- Được ban thưởng bằng thơ văn, ban mỹ tự, ghi danh bia đá, lập đền thờ. Chỉ riêng ở tỉnh Ninh Bình đến nay có 24 di tích thờ hoặc phối thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không hoặc Đức Thánh Nguyễn, có gần 100 sắc phong được lưu giữ tại các di tích trên, có 12 bia đá liên quan đến Thiền sư. Riêng ở đền Thánh Nguyễn có 6 bia đá (2 bia mờ hoàn toàn), bia có niên đại sớm nhất vào ngày 20 tháng 4 năm Giáp Thân niên hiệu Phúc Thái thứ 2 (1644). Căn cứ các sắc phong còn lưu giữ tại các di tích ở Ninh Bình có thể thấy Đức Thánh Nguyễn được ban các mỹ tự: Hiển ứng, Diệu ngộ, Thần hóa, Linh uy, Phổ chiếu, Giác viên, Thanh tịnh, Huyền lâm, Quảng thông, Xương tịnh, Quốc pháp, Cao minh, Duệ quốc, Trang ý, Triêm lợi, Phổ huệ, Phổ ân, Phổ ứng, Hiển linh, Chiêu cảm, Phù hưu, Đốc khánh, Hựu quốc khang dân, Sùng đạo, Hộ thế Phù vận, Trợ uy, Tuy khánh, Hậu trạch, Hộ dân an quốc, Phúc bính, Phù cương, Khải mưu, Hựu tịch, Pháp tổ, Thần quang, Thông đạt, Hậu đức, Chí nhân, Uy linh, Hiển hựu, Chấp phù, Thể đạo, Huyền thông, Diệu cảm, Mật nghiêm, Điềm tĩnh, Biến hóa, Linh thông, Chí đạo, Đạt đức, Tuyên uy, Bố dũng, Chương nghĩa, Từ bi cứu thế độ dân, Tích hỗ, Diên huống, Hồng hy, Minh Không Thiền sư.

- Ghi danh sử sách, tạc tượng, vẽ hình: Trong tài liệu lịch sử quan trọng của Việt Nam Đại Việt sử ký toàn thư, ghi chép khá kỹ về Nguyễn Minh Không. Tại các ngôi đền, chùa thờ ngài đều có tượng đồng hoặc tượng gỗ mô tả chân dung ngài, khi là vị Thánh, khi là bậc Thiền sư. Tại đền Thánh Nguyễn, xã Gia Tiến và Gia Thắng huyện Gia Viễn hiện nay còn lưu giữ 02 bức tranh vẽ Thiền sư trong đó 01 bức vẽ có dát vàng và khảm ngọc trai.

- Thực hiện các nghi lễ thờ cúng, tế lễ: Tại các di tích thờ cúng ngài, hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất hoặc ngày gắn với sự kiện lớn trong cuộc đời Thiền sư (ngày được phong tước, ngày ông đúc chuông…) người dân đều tổ chức lễ hội, thực hiện các nghi lễ tôn vinh, tưởng nhớ.

- Đặt tên địa danh: Tại tỉnh Ninh Bình đến nay người dân vẫn còn sử dụng các tên gọi gắn với hành trạng của Thiền sư như: làng Sinh Dược (vườn thuốc), động Am Tiên, núi Hàm Rồng, Hàm Xà, Hàm Cay, Trư Sơn, Áng Nồi, Đồi Rau...

Khác với cách tôn vinh của triều đình, của Nhà nước phong kiến, người dân ở các làng quê, các vùng đất nơi có dấu ấn của Thiền sư đều có cách tôn vinh riêng, vừa thể hiện lòng biết ơn sâu nặng và trân trọng tài năng, tâm đức của Thiền sư vừa mang dấu ấn văn hóa của những cộng đồng thực hiện nghi thức tôn vinh đó.

Trong tâm thức của người dân Ninh Bình, Nguyễn Minh Không vừa là một Thiền sư vừa là một bậc Thánh nhân. Thánh Nguyễn, vua Đinh Tiên Hoàng trở thành niềm tự hào cho vùng đất nơi họ sinh ra và lớn lên. Dân gian Ninh Bình còn lưu truyền câu thành ngữ “Đại Hữu sinh vương Điềm Dương (Giang) sinh thánh” để nói về hai vùng đất Đại Hữu (nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn) và Điềm Giang (nay thuộc xã Ninh Thắng, và xã Ninh Tiến, huyện Gia Viễn) của tỉnh Ninh Bình, quê hương của hai nhân vật có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất ở Ninh Bình: Đức vua Đinh Tiên Hoàng đế, người mở nền chính thống quốc gia, vị vua đầu tiên của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ ở Việt Nam; người thứ hai là Thiền sư Nguyễn Minh Không mà nhân dân Ninh Bình quen gọi là Đức Thánh Nguyễn. Chỉ một câu Thành ngữ nhưng chất chứa ở đó tất cả sự trân trọng của người dân Cố đô đối với Thiền sư. Nguyễn Minh Không cùng với đức vua Đinh Tiên Hoàng đã làm rạng danh vùng đất nơi các ngài được sinh ra.

Trong các bản thần tích, thần phả, ngọc phả còn lưu truyền trong nhân dân và các câu chuyện dân gian truyền lại từ xưa đến nay, tài năng, đức hạnh của Thiền sư được nhân dân thiêng hóa với nhiều yếu tố tưởng tượng kỳ ảo, cho thấy cái nhìn của người dân Ninh Bình về Nguyễn Minh Không, ông được xem như một người Khổng Lồ có tài năng và sức mạnh vô song, có thể gánh núi, đi một bước dài vạn dặm, có thể cho tay vào vạc dầu sôi mà mò kim… Các câu chuyện: “Ông Khổng Lồ đúc chuông, “Ông Khổng Lồ gánh núi”, “Ông Khổng Lồ bắt lươn”, “Núi Đó và Lò Nước của ông Khổng Lồ”, “Sự tích núi Con Mèo”, “Sự tích Đồi Ba Rau, Đống Củi, Xó bếp”, “Sự tích Bàn Cờ - Ô Thuốc”, “Vua hóa hổ”… là những minh chứng cụ thể. Bỏ qua lý do thêm thắt các chi tiết hoang đường kỳ ảo để những câu chuyện kể thêm phần hấp dẫn, thú vị, có thể nhận thấy đây chính là sự tôn vinh, tôn thờ một cá nhân kiệt xuất của cộng đồng dân cư. Sự tôn vinh, tôn thờ này không chỉ diễn ra trong đương thời mà còn lan tỏa đến các thế hệ tiếp sau, tồn tại lâu bền cùng với sự tồn tại của các thế hệ người dân ở vùng đất này.

Tại các di tích thờ cúng Thiền sư, những minh chứng vật chất cho thấy sự tôn vinh Thiền sư như một vị thần, một vị thánh, có ảnh hưởng quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng còn tồn tại và phát triển các nghi lễ cúng tế của người địa phương và nhân dân trong vùng. Đây là một minh chứng về tấm lòng thành kính và sự tôn vinh của người dân dành cho một danh nhân của quê hương.

3. Lễ hội Đền Thánh Nguyễn, nơi tập trung các nghi lễ tôn vinh của người dân đối với Thiền sư Nguyễn Minh Không

Lễ hội Đền Thánh Nguyễn được tổ chức từ ngày 13 đến 16 tháng 2 âm lịch hàng năm tại Đền Thánh Nguyễn. Ngôi đền nằm ở làng Điềm Giang xưa, xã Gia Tiến và Gia Thắng huyện Gia Viễn ngày nay, tương truyền vị trí xây dựng đền thuộc phần đất của gia đình Thiền sư xưa. Tại đền còn có bia đá khắc chữ “Cố trạch”, gần đó còn có địa danh là “Gò Rau”, tương truyền là nơi chôn rau cắt rốn của Thiền Sư. Đền còn lưu giữ nhiều di vật cổ chứng minh sự vinh danh của chính quyền và nhân dân đối với thiền sư từ xưa đến nay, từ không gian kiến trúc chung đến các bức hoành phi câu đối, tranh, tượng cùng 54 đạo sắc phong và rất nhiều bản thần tích, các bản chép tay những bài thơ, lời hát, chuyện kể về Thiền sư.

Lễ hội Đền Thánh Nguyễn trước đây được tổ chức 5 năm một lần nhưng gần đây được chính quyền và nhân dân tổ chức thường xuyên hàng năm, thu hút đông đảo người dân về dự lễ. Tất nhiên vào các năm chẵn, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn hơn, thu hút đông đảo sự quan tâm của nhân dân hơn.

Lễ hội gồm có các nghi thức tế lễ (phần Lễ) và các hoạt động vui chơi (phần Hội). Phần Lễ gồm các nghi thức tễ lễ, bắt đầu từ ngày 13 là ngày đầu tiên của Lễ hội, cũng là ngày người dân thực hiện lễ kỳ phước, các thôn trong xã sẽ rước kiệu, rước bách thần ở các nghè, miếu trong vùng về dâng lễ trước cửa thánh. Vào những năm tổ chức lễ trọng, thường có 25-30 đoàn kiệu, các năm khác ít nhất là 9 đoàn kiệu của 9 thôn thuộc 2 xã Gia Tiến và Gia Thắng về dâng lễ.

Ngày 14 là lễ dâng cỗ, mỗi thôn sửa một mâm cỗ ngon, đẹp có đủ hương, hoa, trầu, rượu, bánh, trái, xôi, gà… lần lượt mang vào dâng thánh.

Ngày 15 là ngày lễ chính, đại diện các làng sẽ thực hiện nghi thức tế lễ, mỗi đoàn tế không quá 15 phút. Từ 5h chiều sẽ thực hiện nghi lễ dâng kệ hay còn gọi là hát kệ, chầu kệ. Để thực hiện được nghi lễ này, ban tổ chức sẽ lập danh sách các cá nhân đăng ký hát kệ từ trước khi tổ chức lễ hội, và phải tập hợp được từ 5 đến 10 người tham gia, trong đó có 1 người đứng chủ lễ, 1 người đọc chúc và những người còn lại sẽ thay phiên nhau đọc các câu hát trong các bài kệ. Có 2 bài kệ thường được dùng để hát hàng năm, là bài “Lý triều Quốc sư” và “Kệ Đức Thánh Tổ”. Theo người dân địa phương thì nếu muốn khấn Ngài với vai trò là một vị Thánh thì dâng bài “Kệ Đức Thánh Nguyễn”, nếu khấn Ngài với vai trò là một vị quan triều Lý thì dâng bài “Lý Triều Quốc Sư”. Mỗi bài có khoảng 1000 câu, phần lớn viết theo thể thơ lục bát, một số đoạn viết theo thể thơ 5 chữ hoặc song thất lục bát, phù hợp để hát dâng theo lối hát tế cổ xưa.

 Đến giờ dâng kệ, những người tham gia sẽ mặc trang phục cổ truyền, đứng xếp hàng dọc hai bên nhang án, chủ lễ làm nghi lễ cáo yết, người đọc chúc đọc bản chúc trong đó có danh sách những người tham gia hát kệ và tên bài kệ sẽ đọc (hát). Sau khi đọc chúc xong, chủ lễ khởi xướng, đọc câu đầu tiên, các thành viên khác lần lượt đọc theo vòng tròn, mỗi người một câu đến hết bài. Thông thường nếu có 5 người hát dâng thì nghi lễ diễn ra trong khoảng 120 phút, có 10 người hát dâng thì thời gian có thể ngắn hơn, từ 60 đến 90 phút là hoàn tất. Những người tham gia hát kệ phải có giọng đọc rõ ràng, tròn vành rõ chữ, phối hợp ăn ý với nhau. Khi đọc hết bài, chủ lễ dâng lễ tạ và xin hoá sớ, kết thúc nghi lễ hát kệ. Tuỳ thuộc vào nhu cầu của người dân về dâng lễ mà hát dâng 1 hay cả 2 bài kệ trong một mùa lễ hội.

Nội dung các bài kệ kể về cuộc đời của đức Thánh Nguyễn, những đóng góp của ngài cho đất nước, cho triều đình, cho nhà vua, cho nhân dân. Mặc dù ngôn ngữ, lời hát còn mộc mạc, được viết theo lối bình dân song cũng dễ nhận ra tình cảm mà người dân gửi gắm trong nghi lễ cũng như trong lời kệ, đó là sự tôn thờ, ngưỡng vọng, tri ân đối với đức Thánh Nguyễn – Thiền sư Nguyễn Minh Không. Tình cảm ấy được truyền từ đời này sang đời khác, được làm đầy lên qua các giai đoạn lịch sử, trở thành điểm tựa tâm linh, điểm tựa tinh thần vững chắc trong hành trình sống của cộng đồng dân cư vùng Điềm Giang và vùng lân cận. Đây cũng là sợi dây kết nối tình cảm trong cộng đồng dân cư, tạo nên sự gắn bó bền chặt, sâu sắc giữa các cá nhân trong cộng đồng, là cơ sở để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó giữa con người với con người.

Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 02 danh nhân được người dân tôn vinh bằng nghi thức hát dâng đó là Đinh Tiên Hoàng đế với nghi thức Tế cửu khúc đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Đức Thánh Nguyễn - Thiền sư Nguyễn Minh Không với tục hát kệ đền Thánh Nguyễn.

Ngày 16 là ngày tế tạ, các đoàn kiệu sau khi làm lễ tạ trước cung thánh, tổ chức rước bách thần trở về vị trí cũ.

Phần Hội được tổ chức xen kẽ trong các ngày diễn ra các hoạt động tế lễ, gồm có các trò chơi dân gian phù hợp với mọi lứa tuổi để mọi người trong xã, trong vùng đều có thể tham gia như: thi đấu cờ tướng, cờ người, đấu vật, kéo co, thi nấu cơm, làm cỗ… và một số hoạt động dành cho khách hành hương, cho du khách thập phương về bái yết và tham dự lễ hội.

Ngoài Lễ hội đền Thánh Nguyễn, ở Ninh Bình còn rất nhiều lễ hội liên quan đến Thiền sư, trong đó lễ hội chùa Bái Đính (ngày 6/1 âm lịch) cũng là lễ hội thu hút đông đảo khách thập phương về dự lễ.

Nhìn chung các lễ hội trên được tổ chức công phu, thu hút hàng triệu người dân và du khách đến tham gia, có sức ảnh hưởng và lan toả rộng rãi, có khả năng làm tăng nguồn thu từ các dịch vụ du lịch. Tuy nhiên việc thu hút đông người đến dự lễ cũng gây khó khăn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, việc thực hành các nghi lễ truyền thống cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều người đến dự lễ bằng sự hiếu kỳ hoặc theo trào lưu mà không hiểu rõ về ý nghĩa, giá trị của lễ hội. Đây cũng là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

4. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể nghi thức tôn vinh Thiền sư Nguyễn Minh Không ở Ninh Bình

Như đã nói ở trên, di sản văn hoá phi vật thể liên quan đến Thiền sư Nguyễn Minh Không được xuất phát từ tình cảm ngưỡng vọng mà người dân dành cho Thiền sư, được gìn giữ, lưu truyền và bồi đắp qua nhiều thế hệ, trở thành tài sản chung của cộng đồng dân cư, gắn bó, tồn tại cùng với đời sống sinh hoạt thường ngày của mỗi người dân. Việc bảo tồn, phát huy giá trị không chỉ có ý nghĩa gìn giữ vốn văn hoá truyền thống của dân tộc mà còn có giá trị trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, làm gia tăng tính cố kết trong cộng đồng dân cư, trở thành một tài nguyên trong khai thác du lịch lễ hội ở địa phương.

Để khắc phục các hạn chế trong việc duy trì các hoạt động tôn vinh Thiền sư của người dân và thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể liên quan đến Thiền sư Nguyễn Minh Không, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:

1. Đẩy mạnh, tăng cường công tác quản lý lễ hội trong đó coi trọng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân và du khách về thân thế, sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không, các giá trị văn hoá vật chất, tinh thần mà Thiền sư để lại trải qua các giai đoạn lịch sử; giá trị, ý nghĩa hoạt động tôn vinh, tưởng nhớ Thiền sư và các phương pháp thực hiện nghi lễ tôn vinh đảm bảo tuân thủ các nghi lễ truyền thống và thực hiện văn minh, văn hoá trong tổ chức các hoạt động tôn vinh, tưởng nhớ;

2. Tuyên truyền các quy định của pháp luật về di sản, các nguyên tắc trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể để kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc trong tổ chức các nghi lễ, nghi thức tôn vinh danh nhân, các lễ hội văn hoá truyền thống; Thực hiện nếp sống văn hoá trong lễ hội, đảm bảo văn minh, an toàn, trang trọng; đảm bảo lễ hội thực sự là lễ hội của nhân dân, do nhân dân tổ chức và đáp ứng nhu cầu văn hoá tín ngưỡng của nhân dân;

3. Có kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn các nghi lễ truyền thống độc đáo, trong hoạt động tôn vinh Thiền sư nói riêng, các di sản văn hoá phi vật thể liên quan đến Thiền sư nói chung, để có thêm các dữ liệu khoa học phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, đóng góp vào việc tôn vinh, gìn giữ, xây dựng các giá trị văn hoá con người vùng đất cố đô. Đồng thời có cơ sở khoa học để quản lý các hoạt động lễ hội nói trên đảm bảo vừa bảo tồn các giá trị truyền thống vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần trong giai đoạn hiện nay vừa lưu truyền, tiếp nối đến các thế hệ kế tiếp.

4. Hàng năm xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể trước khi tổ chức lễ hội đảm bảo hài hoà giữa phần Lễ và phần Hội. Có phương án quản lý chặt chẽ các hoạt động thương mại, dịch vụ trong các ngày diễn ra lễ trọng để vừa đảm bảo các hoạt động diễn ra theo nghi thức truyền thống vừa có cơ hội để người dân trong vùng có thêm thu nhập từ các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách đến dự lễ; Đảm bảo an ninh, an toàn cho di tích, các hiện vật, đồ thờ tại di tích khi có đông người đến tham quan, chiêm bái, hành lễ; Thực hiện đồng bộ các biện pháp truyền thông, thu hút nhân dân và du khách đến tham dự, làm lan toả sâu rộng giá trị các di sản văn hoá.

5. Huy động các nguồn lực từ các tập thể, cá nhân đóng góp vào việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy di sản văn hoá phi vật thể nói chung, các di sản liên quan đến Thiền sư nói riêng, khuyến khích sự sáng tạo của nhân dân trong các hoạt động tôn vinh, tưởng nhớ danh nhân; Khuyến khích nhân dân, các nhà đầu tư tham gia đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích, bảo vệ không gian văn hoá diễn ra các nghi thức, lệ tục tôn vinh Thiền sư Nguyễn Minh Không;

Có thể nói, di sản văn hóa phi vật thể nói chung, di sản văn hoá liên quan đến Thiền sư Nguyễn Minh Không nói riêng là những tài sản vô giá, trải qua thời gian càng dài, được khai thác càng nhiều thì giá trị gia tăng càng lớn, lớn hơn nữa khi các giá trị di sản này ăn sâu trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân, trở thành nền tảng đạo đức, văn hoá xã hội, tạo động lực để xây dựng văn hoá con người Ninh Bình nói riêng, con người Việt Nam nói chung trong thời kỳ mới, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ mở cửa hội nhập quốc tế.

Vũ Thanh Lịch