Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Hệ thống văn tự, thư tịch cổ liên quan đến Hành đô Sơn Lai thời kỳ đầu Nhà nước Đại Cồ Việt

17/12/2020

Hệ thống văn tự, thư tịch cổ liên quan đến hành đô Sơn Lai có thể hiểu một cách khái quát đó là toàn bộ những tài liệu viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm liên quan đến hành đô Sơn Lai.

Theo thống kê bước đầu của nhóm nghiên cứu cho thấy, trên địa bàn xã Sơn Lai và khu vực phụ cận có 162 đơn vị văn tự, thư tịch cổ, trong đó 138 đơn vị tư liệu Hán Nôm thu thập được trên địa bàn gắn với các di tích và 24 đơn vị thư tịch Hán Nôm được lưu trữ ở Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và một số nơi khác. Các văn tự nàycó thể được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí, trong phạm vi bài viết này chúng tôi dựa trên tiêu chí loại hình, chất liệu thể hiện, kết hợp với nội dung phản ánh để phân loại. Trên cơ sở đó, hệ thống văn tự, thư tịch cổ liên quan đến hành đô Sơn Lai được phân làm hai loại chính là: văn khắc (văn bia, văn chuông, hoành phi, câu đối) và thư tịch (thần tích, thần phả, sắc phong).

1. Văn khắc

Văn khắc là khái niệm dùng để chỉ các văn bản (tác phẩm) được hình thành bằng cách dùng tay sử dụng công cụ hỗ trợ như dao, đục, máy móc… khắc chữ lên các vật liệu cứng như đá, đồng, đồ, gốm… tạo thành các bài văn trên bia (văn bia), chuông (văn chuông), khánh (minh khánh), biển (hoành phi, câu đối, châm thư)… nhằm truyền tải nội dung thông tin. Tất cả đều được gắn với những công trình kiến trúc văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng.

Văn khắc ở xã Sơn Lai và các vùng phụ cận cũng xuất hiện khá đầy đủ các loại hình trên, bao gồm văn bia, hoành phi, câu đối.

Văn khắc trên chất liệu đá (văn bia)

Qua điền dã, khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy văn bia hiện tồn trên địa bàn xã Sơn Lai và các vùng phụ cận có số lượng khá khiêm tốn. Tổng cộng có 11 văn bia, trong đó: xã Sơn Lai có 02 văn bia, xã Quỳnh Lưu có 04 văn bia, xã Gia Sinh có 05 văn bia.

Bảng thống kê văn bia xã Sơn Lai và khu vực phụ cận (Xem phụ lục).

Về văn bản văn bia, qua khảo sát trên các di tích, có 04 văn bia còn nguyên vẹn, còn lại phần thì sứt vỡ, phần thì mờ mòn, rất khó khôi phục được nội dung đầy đủ. Những bia đá giữ được hình thể mà bị mờ mòn phần nhiều là do dựng đặt ngoài trời hoặc từng bị lãng quên, để vạ vật bên đường, dưới cầu ao, giếng, khi được quan tâm đến thì đã bị khí hậu khắc nghiệt phong hóa mài mòn lòng bia mất nhiều dòng nhiều chữ. Bia Cổ tích Phật bi ký ở chùa làng Quỳnh, xã Quỳnh Lưu bị mờ gần hết chữ, chỉ đọc được tên bia và một vài dòng trong lòng bia; các bia ở đình, đền làng Sải (xã Quỳnh Lưu); đình và chùa Ngọc Mỹ (xã Sơn Lai), đền Lăng Công chúa (xã Gia Sinh) đều bị mờ hoàn toàn không đọc được chữ trên bia.

Bia đá lưu giữ tại đình, chùa, phủ làng Đồi, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan

Về nội dung văn bia, nội dung của 11 văn bia chủ yếu ghi công đức trùng tu, xây dựng, không có bia thực lục, lịch sử, sự tích...

Về niên đại, phần lớn các văn bia được khảo sát đều có niên đại từ thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX. Trong tổng số 08 bia có ghi niên đại, bia có niên đại sớm nhất được tạo dựng năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) (bia Tập phúc bi ký lưu giữ tại chùa Đồi, xã Quỳnh Lưu), bia có niên đại muộn nhất khắc năm Bính Tuất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm thứ 2 (1946) (bia Sinh Dược Bái Đính công đức lưu giữ tại chùa Bái Đính, xã Gia Sinh).

Về hình thức, đa số các văn bia đều có chất liệu là đá xanh, phổ biến nhất là bia dẹt. Hoa văn trang trí đơn giản, chủ yếu được trang trí ở phần trán và diềm xung quanh. Phần trán bia thường trang trí đề tài lưỡng long chầu nguyệt, mặt trời mây lửa, chim phượng; Phần diềm bia trang trí hoa cúc dây, cánh sen, mây cuộn, hồi văn...

Về tác giả soạn, khắc, viết chữ: để hoàn thành việc tạo tác một tấm bia đòi hỏi sự cộng tác của nhiều người ở từng công đoạn, cụ thể như: soạn văn, viết chữ, khắc bia. Người soạn văn sẽ quyết định giá trị nội dung nghệ thuật của bài văn bia; người viết chữ sẽ quyết định giá trị nghệ thuật thư pháp của văn bia; người khắc chữ, khắc bia quyết định giá trị mỹ thuật của hình thức tấm bia. Nhưng không phải bài văn nào cũng lưu danh người soạn văn khắc chữ. Trong số 11 văn bia hiện còn trên địa bàn xã Sơn Lai và khu vực phụ cận, chỉ có 01 văn bia khắc tên người soạn văn. Đó là bia Sinh Dược Bái Đỉnh công đức trong hang chùa Bái Đính, niên đại 1946, khắc bằng chữ Nôm do Tuần phủ các xứ Ninh Bình, thăng thụ Vinh lộc Đại phu Hiệp tá Đại học sĩ Tổng đốc đã nghỉ hưu, hiệu là Lan Lễ Thu Viên Phan Đình Hòe thay lời soạn.

Về thư pháp, hầu hết các văn bia đều dùng chữ Hán, khắc lối chân phương. Chữ Nôm được dùng rất ít và không phổ biến, thường là để ghi tên người, tên địa phương.

Nhìn chung, văn bia Hán - Nôm ở Sơn Lai và các vùng phụ cận là di sản tư liệu quý giá về nhiều mặt cần được bảo tồn và được khảo sát, nghiên cứu một cách có hệ thống để giải mã những vấn đề quan trọng liên quan đến lịch sử - văn hóa của địa phương.

Văn khắc trên chất liệu gỗ (bao gồm hoành phi, câu đối, bài vị)

Hoành phi, câu đối trong các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã Sơn Lai và các vùng phụ cận chiếm số lượng lớn nhất, có giá trị nhiều mặt cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.

Hoành phi là một văn bản ngắn gọn, súc tích; thông báo cho mọi người biết được tên di tích và loại hình di tích; đồng thời khái quát đối tượng vị thần được thờ phụng trong di tích ghi tên, đặc điểm nổi bật và công trạng của các vị thần gắn bó với nguồn gốc lịch sử của những nơi thờ phụng, bày tỏ tấm lòng của hậu thế đối với tiền nhân, tôn vinh, biết ơn, ngưỡng vọng của cộng đồng đối với công đức các vị thần thờ phụng. Chẳng hạn như: “Yên Bình từ” – Đền Yên Bình (Hoành phi tại đình, phủ thôn Xát, xã Sơn Lai), “Lão Thượng tự” – Chùa Lão Thượng (Hoành phi tại đình, chùa và phủ làng Đồi, xã Quỳnh Lưu).

Theo kết quả điền dã thực tế, trên địa bàn xã Sơn Lai và các vùng phụ cận hiện còn 25 bức hoành phi.

Câu đối là một sản phẩm ngữ văn về thể loại. Nó giống như một bài thơ ngắn hội tụ đầy đủ nội dung tư tưởng, phản ánh quan điểm, tình cảm của người sáng tác, thể hiện trình độ, tài năng của tác giả thông qua biện pháp tu từ, chọn chữ, cách luật, sử dụng điển cổ… Ngày nay, tại các di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản câu đối.

Trên địa bàn xã Sơn Lai và các vùng phụ cận có tất cả 55 cặp câu đối, trong đó 47 cặp chạm khắc trên chất liệu gỗ, 8 cặp khắc trên chất liệu vôi vữa.

Về hình thức, phần lớn các cặp câu đối trên đều được làm bằng gỗ tốt ở địa phương như gỗ mít, lim; sơn màu đỏ hoặc màu đen, chữ viết được khắc chìm, khắc nổi và sơn nhũ vàng, có những câu đối được làm công phu hơn, sơn son thếp vàng; chữ viết trên câu đối thường dùng chữ “Chân”.

Về nội dung, nội dung trên câu đối thể hiện về đạo đức, triết lý răn dạy những điều lành, lẽ phải ở đời, hay nói về truyền thống, lịch sử, phong cảnh quê hương; câu đối thường đi liền với nhau một cặp, nhiều câu đối có lạc khoản ghi năm tháng, tên các tộc họ, làng xã, danh nhân dâng cúng.

2. Thư tịch Hán Nôm

          Thư tịch Hán Nôm là các sách và tài liệu ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm hoặc kết hợp cả Hán lẫn Nôm, bao gồm nhiều loại hình như: thần tích, thần phả, sắc phong, hương ước, địa bạ, cổ chỉ, tục lệ… Qua quá trình khảo sát, điều tra, trên địa bàn xã Sơn Lai và các khu vực phụ cận chỉ còn lưu giữ được các tài liệu liên quan đến thần tích và sắc phong.

          Thần tích

Thần tích là những bộ sưu tập về sự tích các thần được thờ ở thôn, xã mà phần lớn đã được triều đình cho người biên chép, chỉnh lý và lưu trữ bản gốc tại bộ Lễ dưới hình thức chung là Ngọc phả. Mỗi bản thần tích được biên soạn theo một mẫu chung: Gốc các vị thần (đời vua, cha mẹ, quê quán), công lao của thần lúc sống cũng như khi mất (cứu dân, cứu nước, hiển linh,…), các danh hiệu được phong tặng, nơi thờ tự… Những vị thần có thể là nhiên thần, thiên thần, có thể là nhân thần.

Qua điều tra khảo sát, trên địa bàn xã Sơn Lai và khu vực phụ cận có 01 bản thần tích Hoàng triều công thần tam vị đại vương ngọc phả được lưu giữ tại đình, chùa, phủ làng Đồi, xã Quỳnh Lưu và 28 bản sao thần tích, thần sắc (28 quyển, mỗi quyển gồm phần trả lời các câu hỏi điều tra như tên vị thần được thờ, các ngày tế tự, tên húy, ngày sinh tháng đẻ của các thần, phong tục lễ hội, kiêng kỵ liên quan đến vị thần… bằng chữ Quốc ngữ hoặc Pháp hoặc chữ Hán) do Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tầm năm 1937, hiện lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội.

Về hình thức, bản thần tích gồm 17 trang, viết bằng chữ Hán, do Nguyễn Bính soạn và Nguyễn Hiền sao chép vào năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736).

Về nội dung, nội dung thần tích ghi lại sự tích của 3 vị thần được thờ trên địa bàn xã Quỳnh Lưu là Mai Tuyên (Quảng Đức Đại vương), Trần Kỳ (Tiến Quốc Đại vương) và Trần Dĩnh (Hùng Dũng Đại vương).

          Sắc phong

Sắc phong là loại hình văn bản hành chính cấp cao do các triều đại nhà nước phong kiến, đứng đầu là vua, ban cấp cho các xã thôn trong việc phụng thờ thần ở địa phương. Mỗi đạo sắc thường ghi các yếu tố như: Nơi thờ thần (làng, xã), tên gọi của thần (thần hiệu, duệ hiệu, mỹ tự), lý do thần được phong hiệu (bao phong) hoặc nâng phẩm trật (hạ, trung, thượng đẳng thần), trách nhiệm của thần đối với nhân dân sở tại (phù hộ, che chở), nhiệm vụ của nhân dân địa phương đối với thần (tôn vinh, thờ tự), ngày ban sắc…

Xã Sơn Lai và khu vực phụ cận hiện còn lưu giữ được 49 đạo sắc phong; trong đó xã Sơn Lai có 37 đạo, xã Quỳnh Lưu 7 đạo và xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn) 5 đạo.

Sắc phong có niên đại sớm nhất (Cảnh Hưng thứ 44 - 1783)

Về hình thức, các sắc phong đều được viết trên loại giấy gió tốt, màu thổ vàng (vàng đất). Hai mặt của sắc được trang trí hình rồng và mây lượn, mặt chính được trang trí hoa văn công phu, như hồi văn, hoa văn hình đồng tiền. Mặt sau trang trí đơn giản với các mô típ tứ linh, dây lá nho, chữ thọ hay hòm sách.

Về nội dung, các đạo sắc trên chủ yếu là sắc phong thần, do vua các triều đại phong kiến phong cho các vị thần được dân gian thờ cúng trong các đình, đền, miếu, lăng… Nhân vật được phong tặng chủ yếu là các vị thiên thần, nhân thần liên quan tới vùng đất như Tản Viên sơn tam vị, Đinh Tiên Hoàng, Nhồi Hoa công chúa, Lang Cun, Thành hoàng bản thổ…

Về niên đại, các đạo sắc phong có niên đại trải từ Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) tới Khải Định năm thứ 9 (1924), bao gồm: trong số 49 đạo sắc phong hiện tồn, có 02 đạo được ban dưới thời Lê Trung hưng và 47 đạo được ban dưới triều Nguyễn. Đạo sắc phong cổ nhất được cấp vào ngày 26 tháng 7 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783), đạo sắc phong có niên đại gần đây nhất được cấp vào ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924).

3. Giá trị của hệ thống văn tự, thư tịch cổ liên quan đến Hành đô Sơn Lai

          Mỗi yếu tố trong một văn bản đều có giá trị tự thân của nó. Văn tự, thư tịch cổ Hán Nôm trên địa bàn xã Sơn lai và khu vực phụ cận cũng hội tụ nhiều giá trị nghiên cứu khác nhau. Khai thác về dữ kiện lịch sử, về văn tự, hay sâu hơn là tìm hiểu về giá trị nội dung của văn bản thư tịch cổ Hán Nôm là những nét chính mà chúng tôi phân tích trong chương này.  

Văn tự, thư tịch cổ liên quan đến hành đô Sơn Lai góp phần tìm hiểu và xác định một số địa danh hành chính trong lịch sử

Giá trị dễ nhận thấy trong các văn bản thư tịch Hán Nôm là cung cấp thông tin về những thay đổi địa danh hành chính. Hai loại hình văn bản sắc phong và văn bia là nguồn tư liệu chuẩn xác nhất để nghiên cứu về sự thay đổi địa danh (diên cách) và đơn vị hành chính (tỉnh, huyện, tổng, xã, phường, thôn, ấp…). Đáng tiếc là các văn bản Hán Nôm trên địa bàn xã Sơn Lai và các vùng phụ cận còn lại nhiều nhất chỉ tập trung trong ba thế kỷ XVIII, XIX và nửa đầu thế XX nên những địa danh hành chính được phản ánh nhiều nhất cũng chỉ có trong khoảng thời gian đó.

Văn bản Hán Nôm có niên đại cổ nhất là sắc phong đề niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783) lưu giữ tại đình làng Bái cho biết địa danh hành chính xã Sơn Lai ngày nay xưa kia được gọi là xã Phúc Lai, thuộc huyện Phụng Hóa.

Văn bia Tập phúc bi ký khắc năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) đặt tại đình, phủ, chùa làng Đồi cho biết địa danh xã Quỳnh Lưu trước đây thuộc huyện Phụng Hóa, phủ Thiên Quan. Từ năm Thành Thái thứ 16 (1895) đến năm Khải Định thứ 9 (1924), xã Quỳnh Lưu lại thuộc phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Một số địa danh làng, thôn, trại trên địa bàn xã Sơn Lai và khu vực phụ cận trải qua các thời kỳ cũng có nhiều tên gọi khác nhau như: thôn Bái trước đây gọi là thôn Kính Bái, đến năm Duy Tân thứ 3 (1909) đổi tên thành thôn Bái, thôn Xát (xã Sơn Lai) trước đây có tên gọi là thôn Yên Bình, thuộc xã Yên Lão, huyện Phụng Hóa (năm Thành Thái thứ nhất (1889); từ năm Duy Tân thứ 3 (1909) đến năm Khải Định thứ 9 (1924) lại thuộc xã Văn Bảng, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; thôn Thái Sơn (xã Sơn Lai) thời kỳ từ năm 1848 – 1924 thuộc trại Độc Trang, huyện Gia Viễn. Thôn Đồi (xã Quỳnh Lưu) trước đây gọi là thôn Ngọc Thành, thôn Sải (xã Quỳnh Lưu) gọi là thôn Ngọc Lễ…

Như vậy, tên gọi hành chính từ thôn, trại đến xã, huyện đã thay đổi khá nhiều, đặc biệt dưới triều Nguyễn. Sự tách ra nhập vào đó có lẽ chỉ có văn bia hay sắc phong mới phản ánh kịp thời, bởi lẽ bia đá hoặc sắc phong được dựng lên và phong tặng trong các thời điểm khác nhau nên đã phản ánh trung thực những biến đổi của xã hội đương thời. Đây là những cứ liệu xác thực nhất giúp chúng ta có thể xác định niên đại tương đối cho văn bản.

Những tên gọi khác tuy không phải là địa danh hành chính như núi Bái Đính, núi Mã Can… được ghi lại trong thư tịch đã giúp cho chúng ta có thể định vị được vị trí địa lý cũ của những di tích đó.

Sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện đã mô tả về vị trí của núi Bái Đính như sau: “Ở phía tây huyện Gia Viễn, nối liền biên giới hai huyện Gia Viễn, Phụng Hóa. Thuộc địa phận các xã Phúc Lai, Sinh Dược, Mộc Hoàn, Xuân Trì, Lê Xá, Độc Trang. Núi đất liền nối, bên cạnh tiếp mạch núi Chi Phong – Trường Yên. Trên đỉnh núi có đền thờ thần Cao Sơn”.

Phần ghi chép về núi Mã Can (xã Sơn Lai), sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện cho biết: “Núi Mã Can ở địa phận thôn Phúc Lai, Đông Thịnh, cách 19 dặm phía nam huyện Phụng Hóa, còn tên nữa là núi Vua Đinh. Truyền rằng, Đinh Tiên Hoàng thời còn trẻ đem mục đồng đến diễn tập trận ở đây, người đời sau lấy tên đất ấy lập miếu thờ”. Sách Đồng Khánh địa dư chí cũng chép về núi này như sau “Tương truyền vua Đinh Tiên Hoàng khi còn nhỏ dẫn trẻ con chăn trâu đến đây làm trò chơi đánh trận, người đời sau dựng miếu thờ ở núi này”.

Văn tự, thư tịch cổ liên quan đến hành đô Sơn Lai phản ánh công đức của nhân dân địa phương và thập phương trong quá trình xây dựng, trùng tu các di tích, danh thắng

          Hầu hết những di tích tiêu biểu, nổi tiếng trên địa bàn xã Sơn Lai và các vùng phụ cận đều có văn khắc ghi lại quá trình trùng tu, tôn tạo do nhân dân địa phương và thập phương công đức.

          Văn bia lưu giữ tại núi chùa Bái Đính cho chúng ta biết chùa đã được tu tạo nhiều lần vào các năm: 1869, 1882 và 1900.

          Năm Tự Đức 22 (1869), Tự Đức 35 (1882) hội Hòa tán ở xã Sinh Dược và cựu hào mục trong bản xã là “Nguyễn Văn Lô phổ khuyến khắp thập phương hưng công dựng tòa, sắc tướng được làm mới để mãi cùng thọ bền lâu dài với núi Đỉnh”. Năm Thành Thái thứ 12 (1900) lại “Tô tượng mẫu, trang hoàng tượng Bụt… đá mảnh lát làm đường lên xuống”.

Bia Tập phúc bi ký tạo năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) ghi công đức của Đào Thị Mạc người thôn Ngọc Thành, xã Quỳnh Lưu, huyện Phụng Hóa, phủ Thiên Quan, vào năm thứ 3 đời vua Minh Mệnh (1822) cúng ruộng thờ Thần, Phật tại thôn là 1 mẫu, tiền là 50 quan.

Văn tự, thư tịch cổ liên quan đến hành đô Sơn Lai góp phần tìm hiểu về các nhân vật được thờ tự tại Sơn Lai và khu vực phụ cận

          Kết quả khảo sát, thống kê hệ thống thần tích, thần sắc hiện tồn cho biết, trên địa bàn xã Sơn Lai và khu vực phụ cận có 13 vị thần được tôn thờ, bao gồm cả thiên thần và nhân thần.

          Các nhân thần là những nhân vật có thật, lúc sống có công với dân với nước, khi mất lại âm phù hiển ứng cho dân làng. Nhân thần bao gồm nhiều tầng lớp trong xã hội: có khi là bậc vua chúa (Đinh Tiên Hoàng), có khi là dòng dõi vua chúa (Nhồi Hoa công chúa, Duyên Khang công chúa) và không ít là những người dân bình thường có công khai hoang lập làng, có công đức với nhân dân (Mai Tuyên, Trần Kỳ, Trần Dĩnh).

Các thiên thần được thờ tự tại đây chủ yếu là các vị sơn thần được nhân cách hóa thành người, có lai lịch đầy đủ rõ ràng như người thật, tiêu biểu như Tản Viên sơn tam vị, Quý Minh đại vương…

Trong số 13 nhân vật được phản ánh qua thần tích, thần sắc, ngoại trừ Đinh Tiên Hoàng là nhân vật được ghi chép nhiều trong chính sử, các nhân vật còn lại hầu hết không tìm thấy trong sử sách. Thư tịch Hán Nôm (tiêu biểu là các văn bản thần tích, sắc phong) là nguồn tư liệu bổ sung thêm hoặc làm sáng rõ hơn chân dung các vị thần được thờ tự tại đây.

Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) sinh ra ở làng Đại Hữu (nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn), thuở ấu thơ và buổi đầu dựng căn cứ ở động Hoa Lư (nay thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn), khi lên ngôi Hoàng đế, ông đóng đô ở Hoa Lư. Vì vậy, những nơi liên quan đến ông như quê hương, nơi hoạt động, xây dựng căn cứ đều có nhiều di tích thờ ông, đáng chú ý nhất là cụm di tích cố đô Hoa Lư. Trên địa bàn xã Sơn Lai và khu vực phụ cận có 02 di tích thờ ông đó là đình Ngọc Mỹ và đình làng Xát (xã Sơn Lai). Đặc biệt, tại đình làng Xát còn lưu giữ được 04 đạo sắc phong thời Nguyễn ban cho nhân dân thôn Yên Bình (thôn Xát ngày nay) thờ phụng Đinh Tiên Hoàng đế. Sắc phong đề niên hiệu Thành Thái thứ nhất (1889) ghi: “Sắc chỉ cho xã Yên Lão, huyện Phụng Hóa, tỉnh Ninh Bình thờ phụng miếu Đinh Tiên Hoàng đế, từ trước tới nay chưa được ban cấp sắc chỉ. Cho nên nay vâng theo mệnh lớn, nghĩ đến công lao của thần trước đây, đặc biệt chuẩn cho thờ phụng như cũ để tỏ rõ lòng thành kính. Hãy kính lấy”

Mai Tuyên, Trần Kỳ, Trần Dĩnh: Thân thế, sự nghiệp của các Ngài không thấy sử sách ghi chép lại nhưng hành trạng, công tích được phản ánh khá đầy đủ trong bản thần tích Hoàng triều công thần tam vị đại vương ngọc phả lục lưu giữ tại đình, chùa, phủ làng Đồi (xã Quỳnh Lưu). Theo nội dung thần tích, ba ông là anh em con cô con cậu, học hành tinh thông, ham luyện võ nghệ. Năm Mậu Tuất nghe tin Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược, 3 ông đã đem 1000 quân theo Lê Lợi khởi nghĩa. Đất nước thanh bình, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, ban thưởng ba quân và tướng sĩ, cả ba ông đều được vua xuống chiếu phong tước. Ông Mai Tuyên được phong là Huyện Doãn huyện Quảng Đức (thuộc thành Thăng Long, phủ Hoài Đức). Ông Trần Kỳ được phong là Tiến Quốc Đại Phu. Ông Trần Dĩnh được phong là Hùng Dũng Đại Tướng quân. Đến khi tuổi cao, ba ông xin về trí sĩ. Ông Trần Kỳ làm sinh từ ở làng Đồi, ông Trần Dĩnh làm sinh từ ở làng Sải….

Văn tự, thư tịch cổ liên quan đến hành đô Sơn Lai phản ánh tín ngưỡng thờ Thành hoàng

Thành hoàng là vị thần được thờ chính ở đình của các làng xã, nơi người Việt/ Kinh cư trú. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng có nguồn gốc từ Trung Quốc, đến thời Tống (960 - 1279) thì bắt đầu du nhập vào nước ta và việc thờ cúng Thành hoàng về sau này ngày càng thịnh.

Thần Thành hoàng vốn là vị thần bảo vệ thành trì, vì vậy ban đầu chỉ ở đô thành và ở trung tâm các phủ huyện mới thờ thần Thành hoàng để bảo vệ thành trì. Còn ở nông thôn dân chúng thờ thần Xã, tức thần Thổ Địa, Thần Đất. Chữ Thành có nghĩa là bức tường thành cao hơn mặt đất, hoàng là rãnh sâu dưới mặt đất, chạy vòng quanh chân thành. Rãnh (hào) có nước gọi là trì , không có nước gọi là hoàng “Thành cao trì (hoàng) thâm” (thành cao hào sâu) nhằm bảo vệ bộ máy cai trị và dân chúng trong thành. Nhưng về sau thì người ta tin rằng “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, “Cảnh thổ nào phải có thần Thành Hoàng ấy”, “Trống làng nào, làng ấy đánh, Thánh làng nào, làng ấy thờ”, vậy phải thờ phụng để thần ủng hộ dân. Từ chỗ thần Thành hoàng có chức năng bảo vệ cho khuôn viên một cái thành, nay trở thành vị thần bảo vệ cho khuôn viên một cái làng, cái xóm, tránh cho dân khỏi bị dịch bệnh, thiên tai hoặc giặc giã…

Theo các sắc phong hiện lưu giữ trên địa bàn xã Sơn Lai và khu vực phụ cận, các vị Thành hoàng được thờ tự bao gồm:

- Đương cảnh Thành hoàng Uy dũng Đại vương, thờ tự tại đình làng Bái, xã Sơn Lai;

- Thành hoàng Lang Cun, thờ tại đình làng Sưa, xã Sơn Lai;

- Đương cảnh Thành hoàng bản thổ, thờ tại đình thôn Xát, xã Sơn Lai;

- Đương cảnh Uy dũng, thờ tại đình làng Sải, xã Quỳnh Lưu.

Trong số các vị Thành hoàng kể trên, 03 vị Đương cảnh Thành hoàng Uy dũng Đại vương, Đương cảnh Thành hoàng bản thổ và Đương cảnh Uy dũng là những vị thần không có nguồn gốc cụ thể, riêng Thành hoàng Lang Cun thờ tại đình làng Sưa là nhân vật có lai lịch nguồn gốc.

Lang Cun là người thuộc dòng dõi quý tộc Mường, có uy thế và quyền lực tại địa phương, là người đầu tiên đưa dân đến khai phá đất đai. Sau khi mất hiển linh, được dân thờ phụng tôn là thành hoàng. Chúng tôi ngờ rằng vị thần Lang Cun được thờ tại di tích rất có thể chính là vua Đinh. Bởi lẽ, theo dân gian, vua Đinh có nguồn gốc là người Mường, dòng họ Đinh xưa kia vốn là một trong bốn dòng họ lớn và có thế lực nhất (Đinh, Quách, Bạch, Hoàng/Hà) ở vùng Mường Nho Quan của Ninh Bình cũng như ở vùng Mường Thanh Hóa, Hòa Bình. Chính vì vậy người dân nơi đây có câu: Nhất đại vi vương, Vạn đại vị Man phương tù trưởng (Một đời làm vua, Vạn đời làm Tù trưởng người Man/ Mường). Câu tục ngữ trên đã khẳng định vị thế của vua Đinh cũng như dòng họ Đinh, và như vậy theo phong tục xưa vua Đinh, dòng họ Đinh một đời làm vua và đời đời làm Tù trưởng (quan lang) trong cộng đồng người Mường.

Việc thờ tự Thành hoàng Lang Cun chứng tỏ dấu tích văn hóa dân tộc Mường, mối liên hệ và sự giao thoa giữa văn hóa Việt – Mường vẫn còn lưu giữ, duy trì ở Sơn Lai cho đến ngày nay.  

Văn tự, thư tịch cổ liên quan đến hành đô Sơn Lai ca ngợi công tích của các vị thần, thánh, Phật

          Giá trị nổi bật của văn bản thư tịch Hán Nôm trong các di tích trên địa bàn xã Sơn Lai và khu vực phụ cận là ca ngợi công đức của các vị thần, thánh, Phật, từ đó khuyến khích điều thiện, giáo dục lòng biết ơn và thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Các giá trị này được thể hiện rõ trong nội dung ca ngợi và tri ân của hoành phi, câu đối.

Các hoành phi, câu đối trong đình, chùa, đền, miếu…chủ yếu nói về công lao, đức độ của các bậc tiền nhân, những người đi mở cõi, những bậc khai quốc công thần, những anh hùng chống giặc giữ nước, hoặc các vị thần trong tâm thức của người dân. Họ là những người luôn luôn phù hộ, che chở, bảo vệ, giúp đỡ cho dân làng để người dân có cuộc sống yên bình ấm no. Vì vậy, các hoành phi, câu đối tại các di tích biểu dương công đức của các vị thần thường thấy như 聖躬萬歲(thánh cung vạn tuế: cung kính thánh muôn năm), 德流光(đức lưu quang: đức sáng muôn đời), 神如在(thần như tại: như thần đang ngự nơi đây)…

          Công đức của các bậc được ghi nhiều ở các câu đối, rất phong phú và sinh động; như câu đối ca ngợi Thần ở đình làng Đồi, xã Quỳnh Lưu:

德合清寧標正直

功弘發育振江山

Phiên âm:

Đức hợp thanh ninh phiêu chính trực

Công hoằng phát dục chấn giang sơn

Dịch nghĩa:

Đức chính trực trong sáng vững bền

Công to lớn vang động non sông

          Với tư tưởng từ bi, hỷ xả; Phật giáo hướng con người đến tinh thần vị tha, bác ái. Ở các ngôi chùa, giá trị giáo dục của thư tịch Hán Nôm nằm trong nội dung khuyên con người sống an nhiên, tự tại, giữ tâm thanh tịnh không bị cuốn vào vòng tranh đua danh lợi, chính trực, ngay thẳng:

如来風月無边景

自在江山極樂天

 

Phiên âm:

Như lai phong nguyệt vô biên cảnh

Tự tại giang sơn cực lạc thiên

Dịch nghĩa:

Trăng gió bao la như trong cõi Như Lai

Giang sơn tự tại tựa ở chốn Cực Lạc

          Việc thờ Thần Phật, tổ tiên, hay các vị anh hùng tóm lại đều nhằm mục đích ghi nhớ công ơn người đi trước; mong muốn cho quốc thái dân an theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và truyền thống tâm linh dân tộc. Các nội dung ca ngợi, nhớ ơn thể hiện trong hoành phi, câu đối… là những bài học sâu sắc về tinh thần uống nước nhớ nguồn, tinh thần tôn sư trọng đạo; nhắc nhở con người về truyền thống dân tộc, về lòng biết ơn, về nguồn cội; giáo dục con người về đạo lý làm người…; ghi nhớ công lao của người đi trước từ đó nỗ lực giữ gìn di tích, giữ gìn thành quả của tiền nhân; cố gắng học tập, làm việc cho xứng đáng với những gì được thừa hưởng.

Văn tự, thư tịch cổ liên quan đến hành đô Sơn Lai cho thấy sự phát triển về mỹ thuật qua các thời kỳ lịch sử thông qua nghệ thuật trang trí và điêu khắc

          Văn tự, thư tịch Hán Nôm trên địa bàn xã Sơn Lai và khu vực phụ cận không chỉ có giá trị về mặt nội dung mà còn là kho tàng trang trí và điêu khắc dân gian đa dạng, phong phú: từ chất liệu thể hiện, hình dáng, kiểu chữ, niên đại cho đến các biểu tượng hoa văn…

          Những ẩn ý thâm sâu của chữ nghĩa đi liền với trang trí tạo nên một tổng thể đặc sắc của các di sản Hán Nôm, vừa có yếu tố vật thể, vừa có yếu tố phi vật thể. Ở từng di tích, các di sản Hán Nôm được thể hiện ngay từ cổng vào đến kiến trúc và chi tiết trang trí của di tích. Cổng đình chùa, phía trên nóc cổng chính thường là hình tượng lưỡng long chầu nguyệt và tên di tích. Hai bên cột cổng là các câu đối mang hàm ý khác nhau. Hình dáng, kích thước của các di sản Hán Nôm trong các di tích đa dạng. Từ những sắc phong, cuốn thư trên các trang giấy, bài vị trên khám thờ đến các bức hoành phi, liễn đối lớn treo trên xà, cột của di tích. Một số minh văn khác được chạm trên khắc trên bia, chuông, khánh… Các kiểu chữ Hán Nôm trong các di tích thường là Khải (Chân), Thảo, Hành… trong đó đa số là chữ Khải. Đây là yếu tố thể hiện tài hoa của người viết, người khắc; cũng là một trong những yếu tố thể hiện tâm hồn của người xưa qua cảm hứng sáng tạo, truyền đạt và thưởng lãm nghệ thuật. Phần trang trí nổi bật và độc đáo mang nét riêng biệt của các di sản Hán Nôm thể hiện qua hệ thống liễn đối, hoành phi được sơn son thếp vàng với các đề tài như tứ linh tứ quý, lưỡng long chầu nguyệt/nhật… Hoa văn và biểu tượng trang trí là yếu tố thể hiện triết lý nhân sinh,quan niệm thẩm mỹ và phần nào thể hiện quan điểm chính trị của từng thời kỳ. Một số di văn Hán Nôm được thể hiện trên gỗ, trên đá (câu đối, văn bia…) không có hoa văn hay biểu tượng trang trí nhưng qua các kiểu chữ viết khác nhau cũng thể hiện rõ tính trang nghiêm nơi thờ tự và mang giá trị thẩm mỹ cao.

          Nguyễn Thị Dịu