Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

HÀNH ĐÔ SƠN LAI NHÌN TỪ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN XÃ SƠN LAI VÀ VÙNG LÂN CẬN

17/12/2020

Trải qua trường kỳ lịch sử hàng ngàn năm, do sự tàn phá của thiên nhiên (nhiệt đới, gió mùa – nắng nóng và nhiều mưa, bão lụt) và những tác động của con người (chiến tranh, sự phá hại cố ý và vô ý), các di tích vùng Sơn Lai tuy đã bị xuống cấp, hủy hoại, nhiều nơi chỉ còn là phế tích, nhưng nhìn chung, số di tích hiện còn lại vẫn có mật độ dày. Theo kết quả kiểm kê di tích được UBND tỉnh Ninh Bình công bố năm 2020, trên địa bàn vùng nghiên cứu (xã Sơn Lai và vùng lân cận) hiện có 53 di tích, chủ yếu là các đình, chùa, đền, nhà thờ họ, địa điểm khảo cổ..., được phân bố đều khắp các thôn làng trong vùng; trong đó có 01 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 10 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

          Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu một số di tích liên quan đến vua Đinh Tiên Hoàng và các nhân vật thời Đinh – Tiền Lê.

          Đình Xát, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan:

Đình tọa lạc tại thôn Xát (trước có tên là thôn Yên Bình), xã Sơn Lai. Đình còn có tên gọi là đình Vua, tọa lạc ở phía Đông Nam của thôn, cách vị trí hiện nay khoảng 1km, trên một gò cao giữa cánh đồng. Năm 1947, đình Vua bị bão làm đổ, nhân dân đã dựng ngôi đình mới trong khuôn viên phủ thôn Yên Bình để thờ tự như hiện nay.

Đình là nơi thờ Đinh Tiên Hoàng Đế, Thành hoàng bản thổ Đinh Công Á (còn gọi là cụ Huyện Á). Hiện nay, di tích còn lưu giữ được những tư liệu, hiện vật quý. Theo truyền ngôn thì thời nhà Đinh (thế kỷ X), các địa danh Hóc Đợi, thung Chùa, núi Đầu Cân, núi Rếch ...(thuộc xã Sơn Lai ngày nay) là nơi tuyển quân, luyện tập binh sĩ, tổ chức lễ khao quân của nhà Đinh. Điều đó cho thấy vùng đất có di tích là nơi ghi dấu những địa danh, sự kiện minh chứng cho công cuộc xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta. Trên địa phận xã Sơn Lai hiện nay có 2 di tích thờ Đinh Tiên Hoàng là Đình Ngọc Mỹ, đình Xát.

Di tích còn lưu giữ được 3 sắc phong của các triều đại phong kiến chuẩn cho thôn, xã thờ phụng Đinh Tiên Hoàng đế (trong đó có 2 sắc phong chung và 1 sắc phong riêng):

- Sắc phong ngày 18 tháng 11 niên hiệu Thành Thái năm thứ nhất (1889), sắc cho xã Yên Lão, huyện Phụng Hóa, tỉnh Ninh Bình thờ phụng miếu Đinh Tiên Hoàng đế.

- Sắc phong ngày 11 tháng 8 niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909), chuẩn cho thôn Yên Bình, xã Văn Bảng, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, theo trước thờ phụng miếu Đinh Tiên Hoàng đế và vị thần Dực bảo Trung hưng Linh phù Đương cảnh Thành hoàng Bản thổ.

- Sắc phong ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924), chuẩn cho thôn Yên Bình, xã Văn Bảng, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình theo trước thờ phụng Đinh Tiên Hoàng đế Ngọc bệ hạ.

Đình Ngọc Mỹ, thôn Me, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan

          Đình Ngọc Mỹ, nằm cạnh chùa Ngọc Mỹ, tọa lạc trên một khu đất rộng biệt lập phía Tây thôn Me, xã Sơn Lai, xung quanh giáp với các khu vực ruộng trồng màu và ruộng lúa của của nhân dân. Trước cửa đình có giếng cổ được kè thành giếng bằng đá ong, bên trong giếng có rùa đá đội bia, tương truyền là giếng nước thiên tạo, nổi tiếng với câu nói ”nước giếng Me, chè Ba Trại”. Theo nhân dân địa phương, đình được xây dựng dưới thời Lê Trung Hưng, bị xuống cấp đã được nhân dân tu bổ nhiều lần. Ngôi đình hiện tại mới được xây dựng lại gần đây, còn giữ được một số cấu kiện gỗ thời Nguyễn.

          Đình thờ cúng vua Đinh Tiên Hoàng, ông Đinh Ngọc Đại Quang và con gái là bà Đinh Thị Huyền Chăn – những nhân vật thời Lê Trung Hưng có nhiều công lao đối với dân làng. Trước đây, đình lưu giữ được 03 đạo sắc phong (01 đạo niên hiệu Quang Trung), 02 đạo thời Nguyễn sắc phong cho vua Đinh Tiên Hoàng

          Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ Kỳ Phúc, mở hội rước kiệu, tế lễ, dâng hương nhằm tưởng nhớ công lao của vua Đinh Tiên Hoàng. Trong kỳ lễ này, dân làng tổ chức rước kiệu vua Đinh từ đình Ngọc Mỹ đến đền thờ Bóng (đền thờ bóng của vua Đinh, được xây dựng gần giếng cổ, hiện đã bị sập trong chiến tranh), sau đó quay lại đình để tế lễ. Trong phần tế lễ, có đọc văn tế vua Đinh. Phần hội có tục kéo chữ Đinh (hán tự). Mỗi thanh niên được chọn tham gia trò kéo chữ sẽ cầm một cây gậy, xếp hàng thành hình chữ theo hiệu lệnh của người quản trò.

          Đình Lược, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan:

          Đình Lược, nằm tại thôn Lược (Thượng Lược), xã Sơn Lai. Trước mặt trông ra khu đồi Đâu, phía bắc là dãy núi ngăn cách với xã Gia Sinh, xã Trường Yên cùng hàng loạt địa danh đá Vua Ngự, đường Thành Hẻo, thung Chùa, núi Đầu Quân… gắn với thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt. Đình được xây dựng theo kiến trúc chữ Nhất, gồm 3 gian, tường hồi bít đốc.

          Đình Lược đến nay vẫn chưa xác định được thời gian khởi đầu xây dựng. Theo truyền ngôn, đình được xây dựng từ xa xưa, xung quanh được trồng nhiều cây thị. Hiện trong khuôn viên đình còn tồn tại 4 cây thị cổ thụ, được các nhà sinh học đánh giá có tuổi đời khoảng 500 năm. Cũng trong khuôn viên đình, trên mặt đất đã phát hiện nhiều mảnh sành, gốm có niên đại thời Lê và Nguyễn. Vì vậy, có thể nhận định thời gian tương đối xây dựng ngôi đình vào thời Lê, giai đoạn nhiều ngôi đình làng được xây dựng ở đồng bằng Bắc bộ. Trước kia, đình được xây dựng ở vị trí Ao trồng sen hiện nay, cách ngôi đình hiện tại khoảng 20m về phía trước, các cây thị cổ thụ còn ở vườn sau của đình. Đình gồm hai tòa, Tiền đường 5 gian lợp cỏ tranh, chính tẩm lợp ngói . Trải qua thời gian, với sự tác động của thời tiết, con người, sự tàn phá của chiến tranh, di tích đã bị xuống cấp, được nhân dân tu bổ nhiều lần. Kiến trúc hiện tại nhỏ, là kết quả của đợt xây dựng lại những năm gần đây.

          Đình Lược thờ hai vị thần là: Nam Quốc Đô Đài Trấn Bắc Đại vương và Chăn Vương Công chúa. Vị thần Nam Quốc Đô Đài Trấn Bắc Đại vươngh hiện chưa rõ sự tích. Theo tài liệu bản kê thần tích, thần sắc thôn Thượng Lược, xã Phúc Lai của Viện Viễn Đông Bác cổ, phần ghi thôn Đông Thịnh (cùng xã Phúc Lai xưa, nay thuộc xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan), thì thần Nam Quốc Đô Đài Trấn Bắc Đại vương là vị dương thần, thời Đinh, cùng thời với vua Đinh Tiên Hoàng. Hiện nay tại phủ  còn lưu giữ được bản sao đạo sắc phong ngày 25 tháng 11 niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904), sắc cho thôn Thượng Lược, xã Phúc Lai, phủ Nho Quan, tỉnh Ninh Bình thờ phụng vị thần Nam Quốc Đô Đài Trấn Bắc Đại vương, phong thêm mỹ tự cho thần là Dực bảo Trung hưng Linh phù.

          Quá trình khảo sát xung quanh khu vực vườn đình thấy có các mảnh sành, gốm sứ có niên đại thời Trần, Lê và một số chân tảng đá xanh có niên đại thời Lê – Nguyễn. Điều này chứng tỏ rằng, trước đây đã từng tồn tại một công trình kiến trúc quan trọng và được sử dụng trong thời gian dài, qua nhiều giai đoạn lịch sử. Kết quả thăm dò khảo cổ cuối năm 2019 không tìm thấy dấu vết kiến trúc cũng như các mảnh gạch ngói, gốm sứ, sành có niên đại sớm, mà chỉ có các mảnh gạch vỡ hiện đại được người xây dựng lấp xuống để tôn nền sân đình. Xuống độ sâu 0,2m so với bề mặt là tới lớp đất sỏi đá ong non, là lớp đất gốc nguyên thổ của khu vực này.

          Đồi Thờ, thôn Đông Thịnh, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan:

Đồi Thờ là một ngọn đồi thấp, khá tròn và đẹp xung quanh được trồng Dứa và Keo của người dân địa phương. Đồi nằm độc lập giữa vùng đất bán sơn địa, xung quanh là vùng đất thấp bằng phẳng, ngay dưới chân đồi là sông Bến Đang, nối liền sông Hoàng Long và hệ thống sông Cầu Vó, sông Ghềnh, thông ra sông Trinh Nữ đến cửa biển Thần Phù.

Trên đỉnh đồi có một miếu nhỏ nằm trên phế tích một công trình kiến trúc tương đối lớn đã bị sập đổ, hiện còn dấu vết chân tảng đá thời Lê – Nguyễn với kích thước lớn, chứng tỏ một công trình kết cấu gỗ có kích thước lớn. Miếu thờ vua Đinh Tiên Hoàng như là một vị thần nhằm ban phúc lành cho người dân nơi đây. Miếu quay mặt về hướng Tây, phía trước mặt có đồi Mả Hầu, đồi Vườn Hồ thôn Lũ Phong.

Khu vực này trước đây đã tồn tại một công trình kiến trúc với quy mô khá lớn vào thời Lê – Nguyễn. Trên bề mặt, tìm thấy nhiều chân tảng đá xanh với nhiều kích cỡ khác nhau. Do thời gian, công trình đã bị sập đổ, sau đó người dân địa phương dựng lên trên nền kiến trúc này một miếu nhỏ để thờ vua Đinh, còn thực tế như thế nào thì đến nay chưa có lời giải đáp.

Tương truyền đồi Thờ là nơi đặt đàn tế trời (nơi phong quang, giao hòa trời đất). Tục gọi là đồi Mục Long, sau lại gọi là Mã Can. Về sau lập đền thờ trên đỉnh đồi thờ vua Đinh. Đầu thế kỷ XX, nhân dân hưng công tu bổ lớn, đến thời chiến tranh chống Pháp thì bị phá hủy. Ở đây, dân truyền rằng có đào được nhiều gạch đá, trong đó có viên đá có chữ Đinh Tiên Hoàng Ngự. Xưa có lễ hội lớn, cả xã Phúc Lai đều tham gia tế lễ, ngoài ra còn thu hút du khách thập phương, từ Thanh Hóa, Hòa Bình cũng đến tham dự. Theo ông chủ tế trong dân gian xưa thường tế ở đền này thu hút đông , bài tế xưa là bài tế của bậc Đế vương, không phải của tế thần đơn thuần, hiện bài tế đã bị mất.

Kết quả thăm dò khảo cổ tại vị trí phía Nam trước Miếu thờ hiện tại cho thấy, lớp mặt hố thăm dò có nhiều mảnh ngói vụn giai đoạn muộn dày khoảng 0,15-0,2m cùng với vữa vôi. Bên dưới lớp ngói tìm thấy dấu vết của sân lát gạch với 11 viên. Kích thước các viên gạch trung bình là (28x13x3)cm. Gạch được lát với vữa vôi chít mạch cùng với ngói ở trên cho thấy thuộc giai đoạn khá muộn sau này, khoảng đầu thế kỷ 20.

Như vậy có thể thấy rằng, khu vực Đồi Thờ trước đây đã có công trình kiến trúc tồn tại ít nhất là từ thời Lê – Nguyễn, còn trước đó thì chưa rõ ràng. Hiện tại chưa biết công năng sử dụng của nó ra sao, cần có thời gian khai quật trên diện tích lớn, qui mô hơn thì mới có nhiều chứng cứ khoa học để nhận định rõ vấn đề này. Còn ngôi Miếu nhỏ, thực tế chỉ là sau này người dân tự xây nên để làm chỗ thắp hương, thờ cúng vua Đinh Tiên Hoàng theo sự sùng bái của dân làng với Người.

Đền Lăng Công chúa, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn:

          Đền Lăng Công chúa, đền Công Chúa hay đền Lăng, đền Mẫu trưởng quốc Công chúa là tên gọi để chỉ ngôi đền hiện nay thờ Trưởng quốc Công chúa Dyên Khang, thuộc địa phận thôn Xuân Trì, xã Gia Sinh, huyện Gia Vĩnh, tỉnh Ninh Bình. Đền còn lưu giữ được bản gốc của 2 sắc phong thời Nguyễn, một bản đề năm Duy Tân thứ 5 (1911) và một bản đề năm Khải Định thứ 9 (1924) sắc cho Duyên Khang Công chúa. Đền tọa trên đỉnh một ngọn đồi thấp, hình tròn, trong lòng hồ nước lớn phía trước chùa Bái Đính, là một hồ nước nhân tạo bao quanh do công ty xây dựng Xuân Trường mở và đặt tên là hồ Đàm Thị hay hồ Phóng Sinh. Đền nằm theo hướng Tây, phía Nam có núi thờ thánh Cao Sơn, Bắc có sông Hoàng Long, phía Đông có các dãy núi hình rồng nhìn về đồi Lăng.

          Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử ngôi đền xưa kia không còn nữa, ngôi đền ngày nay xây bằng gạch, mái lợp ngói có mặt bằng hình chữ Đinh với kiến trúc phía trước có ba gian được xây dựng khoảng vào khoảng thế kỷ 20 và phần Hậu cung mới được tu sửa lại. Đền Lăng Công chúa nằm phía Tây khu di tích Cố đô Hoa Lư, cách 3,6km theo đường chim bay; phía Nam là chùa Bái Đính, cách chùa Bái Đính cổ khoảng 1,5km và cách chùa Bái Đính mới khoảng 1,2km; phía Bắc qua một ngọn núi thấp là sông Hoàng Long, cách khoảng 1,3km; phía Đông và Đông Nam nằm sát với vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An.

          Địa hình khu di tích ngày nay đã thay đổi khá nhiều. Phía Tây và phía Bắc, sườn đồi đã bị đào lấy đất đắp đường chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; xung quang chân đồi đã được xây kè đá mở rộng và tôn đắp cao thêm nhằm phục vụ cho việc phát triển du lịch ở đây trong tương lai. Gần đây, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã cho xây ở đây một kiến trúc tháp bê tông có quy mô to lớn nằm ngay bên cạnh đền Lăng. Quá trình làm móng tháp đã tìm thấy đầu ngói ống trang trí hoa sen có niên đại thời Đinh – Lê, thế kỷ 10 và hiện nay được lưu giữ trong kho nhà Đền.

          Nhằm tiếp tục mở rộng, nghiên cứu về lịch sử vùng đất, ngành văn hóa tỉnh đã phối hợp các chuyên gia, nhà khoa học Trung ương tiến hành đào thám sát thăm dò khảo cổ vào cuối năm 2019 và khai quật mở rộng vào đầu năm 2020.

          Kết quả cho thấy, tại các hố khai quật được mở trên đỉnh đồi cạnh sát chân đền Lăng (hố H1) và chân đồi phía bắc (hố H2) phát hiện nhiều mảnh vật liệu xây dựng và trang trí mái có niên đại thế kỷ X, thời Đinh – Tiền Lê. Dù dấu vết kiến trúc không còn rõ ràng và cụ thể nhưng dựa vào sự phân bố của các vật liệu, các hiện tượng khảo cổ và đặc biệt là dấu vết còn lại của hàng gạch chạy theo chiều Bắc - Nam tại hố H1, các loại vật liệu kiến trúc đã tìm thấy có thể khẳng định tại đây đã từng tồn tại công trình kiến trúc bằng gỗ, có bộ mái lợp ngói ống trang trí hoa sen và các loại ngói úp trang trí uyên ương và quầng lửa, mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật đặc sắc của kiến trúc thời Đinh – Tiền Lê, thế kỷ 10, đặc trưng mang yếu tố cung đình. Điều đó cho thấy vai trò, vị trí và tầm quan trọng của di tích trong mối quan hệ với Kinh đô Hoa Lư.

          Các loại vật liệu lợp mái kiến trúc và các loại gạch tìm thấy ở đây đều mang những nét đặc trưng tương đồng với các vật liệu kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê đã tìm thấy tại khu di tích Cố đô Hoa Lư và khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Nhưng đáng lưu ý, đây là lần đầu tiên khảo cổ học phát hiện được dấu tích kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê ở bên ngoài khu vực Kinh đô Hoa Lư.

          Di tích này nằm cách xa khu vực đền vua Đinh – vua Lê hiện nay khoảng gần 4km theo đường chim bay. Trong không gian đó, khu vực này trước đây có thể đã từng giữ một vai trò quan trọng và được triều đình Hoa Lư xây dựng công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng nhằm phục vụ đời sống sinh hoạt của Kinh đô Hoa Lư.

          Việc tìm thấy dấu vết di tích “Gạch vòm cuốn” có niên đại thời Đường chôn dưới lòng đất phần nào đó cho thấy vai quan trọng của khu vực này không những dưới thời Đinh - Tiền Lê mà có thể còn sớm hơn nữa.

          Hiện tượng dải gạch, ngói vỡ tập trung thành cụm lớn tại hố H2, đặc biệt là các mảng đất có màu đỏ sẫm giống như bị cháy cùng với các vật liệu bị cháy, cong vênh và các mảnh gạch dính chặt với nhau cho thấy dấu hiệu tại đây có thể từng là nơi có lò sản xuất vật liệu kiến trúc vào thời Đinh - Tiền Lê.

          Ngoài việc tìm thấy dấu vết kiến trúc thời Đường, đặc biệt là thời Đinh - Tiền Lê và với kiến trúc thời Nguyễn hiện còn thì hoàn toàn không tìm thấy dấu vết kiến trúc và các loại vật liệu xây dựng của các thời kỳ từ sau thời Đinh - Tiền Lê đến trước thời Nguyễn cho thấy sau thời Đinh - Tiền Lê khu vực này không còn được coi trọng và dần đi vào quên lãng.

          Những phát hiện khảo cổ tại di tích đền Lăng có giá trị rất quan trọng. Tuy chưa đủ bằng chứng để chứng minh chắc chắn về tính chất và vai trò cụ thể của di tích trong lịch sử, nhưng những phát hiện này kết hợp với nguồn tư liệu ít ỏi về di tích là bước đi đầu tiên góp phần nghiên cứu những di tích liên quan đến Kinh đô Hoa Lư và thời Đinh - Tiền Lê nói chung và các di tích bên ngoài Kinh đô nói riêng. Để có được nhưng cái nhìn rõ hơn cần tiếp tục các bước nghiên cứu tiếp theo mang tính tổng thể hơn trên các khía cạnh lịch sử và văn hóa.

          Đá vua Ngự, thôn Lược, xã Sơn Lai, Nho Quan

          Là một địa điểm thuộc khu vực phía đông bắc thôn Lược, sát chân núi đá, nằm bên dưới chân một quả đồi thấp trong vườn trồng Keo của người dân địa phương, gồm 01 hòn lớn và 03 hòn nhỏ vuông thấp hơn vây xung quanh. Các hòn đá nhỏ đá bị đánh đá mất dấu tích, chỉ còn lại một hòn đá lớn. Truyền là nơi vua Đinh Ngự. Tương truyền xưa Đinh Tiên Hoàng bơi qua sông Hoàng Long, có tập trận bên  phía Sơn Lai. Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, dựa theo đồn trại khi trước, xây dựng đồn trại đóng quân tại khu vực núi Vua Ngự. Khu gần đá vua Ngự, người dân từng tìm thấy nhiều bát đĩa cổ, trong các hố đá, mái đá, chỉ cách đá vua Ngự khoảng 100m (còn nguyên vẹn hoặc đã vỡ).

          Đá vua Ngự hiện còn là một tảng đá lớn tương đối vuông vắn, có chiều dài 4,2m, rộng 2,5m, cao 2,1m. Bề mặt khá bằng phẳng và đẹp, bên trên có lỗ nhỏ như lỗ cắm cờ. Kết quả đào thám sát cuối năm 2019 không tìm thấy dấu tích vật chất gì ngoài một vài viên đá núi nằm nguyên vị ở độ sâu 0,2m trong lòng hố. Điều này cho thấy, có thể khi xưa vua chỉ đến để chỉ đạo và xem quân lính tập luyện chứ không có việc ăn ở sinh hoạt nơi đây hoặc đây chỉ là tích truyền mà chưa được chứng minh đầy đủ.

Đồi Vườn Hồ, thôn Lũ Phong, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan

          Đây là ngọn đồi đất thấp, xung quanh là vùng đất trũng trồng lúa. Khu vực này trước đây thuộc đất làng Đông Thịnh xã Phúc Lai, sau làng Lũ Phong (tên nôm là làng Lác) bị ngập lụt thường xuyên, chuyển đến vị trí này vào những năm 60 thế kỷ XX. Ngọn đồi thấp này tương đồi bằng phẳng, tương truyền là kho lương, tàu ngựa, tàu voi của một đạo quân đóng chân. Những năm trước đây, người dân địa phương đã phát hiện thấy những đường hào nông được lát gạch thất cổ, sau vì khai khẩn đất đai làm nhà cửa và canh tác hiện không còn dấu vết. Qua canh tác cũng như đào đất san lấp, nhân dân tìm thấy các mảnh bát đĩa gốm sứ cũng như đồ đất nung hiện vẫn còn lưu giữ được. Kết quả đào thám sát thăm dò khảo cổ cho thấy khu vực này khi đào sâu xuống 0,2m chỉ là nền đất đồi nguyên thổ với đất sỏi đá ong. Bề mặt chỉ là lớp đất xáo trộn do quá trình canh tác trồng trọt mà không tìm thấy các dấu vết vật chất nào của giai đoạn sớm. Do chỉ là hố thăm dò diện tích nhỏ, lại nằm trong một khu vực dân sinh rộng lớn nên chưa tìm được các dấu vết kiến trúc, vật liệu niên đại sớm để khẳng định khu vực này trước đây có lịch sử như thế nào. Điều này cần có thời gian để mở rộng điều tra nghiên cứu mới mong có kết quả như mong muốn.

          Đồi Dâu, là một ngọn đồi đất trải dài theo hướng Bắc – Nam, phía Tây xã Sơn Lai giáp xã Quỳnh Lưu. Trong quá trình nhân dân và doanh nghiệp đào đất, khai thác vật liệu xây dựng ở đây phát hiện nhiều bát đĩa, đồng xu cổ, những viên đá tròn to như bát con hoặc to hơn chút ít giống đạn súng thần công. Những cây Dâu, cây Chay cổ thụ vẫn còn là bằng chứng cho việc đã từng là nơi cư trú cổ xưa.

          Tương truyền, nơi đây từng có một đạo quân đóng giữ, nhằm bảo vệ mặt tây kinh thành Hoa Lư khỏi những đạo quân binh của người man ở phía Tây, cũng để trấn giữ con đường thông đạo phía Tây (lên miền núi Thanh Hóa, sang Lào), đường này đi vắt qua khu đồi Dâu, đi đến Chợ Quán cổ. Con đường và đồn binh này các triều đại sau, đến thời Hậu Lê vẫn duy trì, đi từ Thăng Long vào Lam Kinh (từ Gia Viễn, lên Rịa vào Phủ Đồi, sang Kim Tân - Thanh Hóa), có lẽ nằm trên tuyến đường Thiên lý Thượng đạo cổ.

          Ngoài ra, ở vùng đất này còn một số địa danh gắn với các sự tích về vua Đinh Tiên Hoàng và các sự kiện, nhân vật thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt như: Chợ Quán, Đồi Đống, Hang Sưa, Đồi Vẽo, Miếu Bệ, Miếu Đám Vật... : tọa lạc tại xã Sơn Lai, gần chợ Quán. Xưa kia nơi đây có một số tảng đá xếp theo hình tròn, tương truyền là nơi luyện tập đấu vật của quân sĩ.

          Có thể nói, bằng vào hệ thống các di tích, địa điểm khảo cổ, hiện vật được phát hiện trên địa bàn xã Sơn Lai và vùng lân cận có thể khẳng định: đây là một vùng đất cổ, có lịch sử cư trú và phát triển lâu đời của cư dân Việt – Mường, có vị trí quan trọng qua các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, với các dấu tích vật chất được phát hiện, cùng với các địa danh, huyền tích gắn liền với di tích và địa danh trên địa bàn cho thấy vùng đất này có nhiều liên hệ với kinh đô Hoa Lư và nhà nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X.

Nguyễn Xuân Trường