Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

ĐỘNG HOA LƯ

22/10/2019

Động Hoa Lư là căn cứ đầu tiên của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh đối với sự nghiệp thống nhất giang sơn thế kỷ X, thực chất là một thung lũng, bốn bề núi đá bao quanh như một tường thành thiên nhiên vô cùng kiên cố, trên vách đá, những cây lau đu đưa theo làn gió như những ngọn cờ lau của Đinh Bộ Lĩnh và những “mục đồng anh hùng” xa xưa, làm cho chúng ta hiểu tạ sao người xưa đã đặt tên cho động là Thung Lau.

          Động Hoa Lư còn gọi là Thung Lau hay Thung Ông (Hoa Lư là âm Hán Việt của từ hoa lau, động Hoa Lư ở đây có nghĩa là động có nhiều bông lau, như tên nôm của nó là Thung Lau; còn tên Thung Ông là gọi theo đền ở trong thung xưa thờ “thánh Ông” Nguyễn Minh Không, khác với “thánh Bà” ở Thung Lá bên cạnh), thuộc địa phận thôn Uy Viễn, Uy Tế xưa, nay là xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Đường vào động Hoa Lư

          Động Hoa Lư là căn cứ đầu tiên của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh đối với sự nghiệp thống nhất giang sơn thế kỷ X, động nằm cách Cố đô Hoa Lư khoảng 15km về phía bắc. Sử cũ cho biết, Đinh Bộ Lĩnh vào khoảng năm 924 ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng. Có người hiểu Hoa Lư là một địa danh hành chính hay một động núi. Điều đó làm cho nhiều người lầm lẫn giữa quê hương là một làng cụ thể của Đinh Bộ Lĩnh với động Hoa Lư, căn cứ ban đầu của Đinh Bộ Lĩnh và Kinh đô Hoa Lư của ông.

 

Toàn cảnh động Hoa Lư

          Tuy được gọi là động nhưng thực chất đây là một thung lũng rộng khoảng 16 mẫu được bao bọc bởi các ngọn núi vòng cung, là nơi Đinh Bộ Lĩnh cùng trẻ mục đồng “Cờ lau tập trận” thuở thiếu thời, là căn cứ ban đầu của Sứ quân Đinh Bộ Lĩnh. Động Hoa Lư nằm trong sơn hệ đá vôi chạy dọc hữu ngạn sông Đáy. Động nằm giữa bốn bề núi cao dựng đứng, có dạng gần tròn, đường kính khoảng 200m tạo nên một bức tường thành thiên tạo vững chãi.  Vào động chỉ có một lối duy nhất là một quèn nhỏ cao khoảng 30m với dốc đá lởm chởm rất khó đi lại, gần đây đã xây dựng bậc đá cho dễ đi lại. Bao bên ngoài động là đầm Cút, dài khoảng 3 km rộng 500m, như con hào thiên nhiên bảo vệ động Hoa Lư. Động nằm gần đường Thượng đạo, một con đường cổ, ra bắc vào nam. Cách độ 2 km là sông Bôi (Từ Hòa Bình đổ về), từ động Hoa Lư, ra sông Hoàng Long, rồi ra sông Đáy để ra biển Đông hay từ sông Đáy ra sông Hồng để lên Thăng Long, hoặc từ động Hoa Lư theo sông Bôi để lên tây bắc rất thuận lợi. Động Hoa Lư tuy là địa bàn hẻo lánh, nhưng là một địa bàn có núi rừng hiểm trở, đường thủy, đường bộ thuận tiện cho việc “lui có thể thủ, tiến có thể công”.

 

Quèn đá ra vào động Hoa Lư

          Đinh Bộ Lĩnh mồ côi cha từ nhỏ, phải cùng mẹ về ở cạnh đền Sơn thần (Gia Thuỷ, huyện Nho Quan), hàng ngày Đinh Bộ Lĩnh đi chăn trâu cho chú là Đinh Thúc Dự và tập trận cờ lau ở động Hoa Lư. Từ tập trận cờ lau, Đinh Bộ Lĩnh đã tiến lên tập hợp lực lượng, lấy động Hoa Lư làm căn cứ ban đầu, làm chủ được đất động Hoa Lư của mình và cả Sách Bông của chú Đinh Thúc Dự. Đến năm 953, lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh tại động Hoa Lư đã khá mạnh, làm cho Xương Văn, Xương Ngập đem quân đánh hơm một tháng trời mà không thắng. Sau đó, Đinh Bộ Lĩnh gia nhập sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu (tỉnh Thái Bình), sau được Trần Lãm giao quyền chỉ huy, mở rộng ảnh hưởng của mình từ cùng rừng núi động Hoa Lư tới miền đồng bằng rộng lớn hạ lưu sông Hồng. Sau khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất toàn thể quân đội và tiến lên dẹp loạn 12 xứ quân, thống nhất đất nước. Năm 968, ông lên ngôi hoàng đế, hiệu là Đinh Tiên Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt đóng đô ở Hoa Lư, đặt niên hiệu riêng là Thái Bình. Việc vua Đinh xưng đế, đặt tên nước riêng, đặt niên hiệu được các nhà nho xưa xem như ông là người mở ra nền chính thống cho chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam.

 

Nghi môn đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng trong động Hoa Lư

          Mặt thung lũng động Hoa Lư có một thành đất dài khoảng 250m gọi là thành bảo, thành bảo có thể là thành của Đinh Bộ Lĩnh khi xưa. Xưa kia, ở giữa động chỉ có một ngôi đền nhỏ là đền Thung Lau. Đền Thung Lau quay hướng nam, kiến trúc kiểu chữ đinh. Tiền đường 3 gian, 4 hàng 16 cột. Vì kèo kiểu chồng rường, hoành vuông, ngói vảy, ở giữa trên tiền đường có treo một tấm đại tự: “Hoa Lư động”. Hậu cung 1 gian, 3 hàng 8 cột vì kèo kiểu chồng rường, dáng cao, mái thẳng. Tương truyền xưa kia đền thờ Đinh Bộ Lĩnh sau đó nhân dân rước về thờ chung ở đình Ba Xã (cùng xã Gia Hưng) và rước chân nhang Nguyễn Minh Không ở đền Điềm Xá về thờ. Thiền sư Nguyễn Minh Không tên thật là Nguyễn Chí Thành, hiệu là Minh Không, được vua Lý Thần Tông phong làm quốc sư, là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo của triều đại nhà Lý trong lịch sử, được xem là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa cổ và được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam. Vì có nhiều công lớn chữa bệnh cho vua và nhân dân mà ông  được người Việt tôn sùng là Đức Thánh Nguyễn. Một số ghi chép xưa xếp ông là một vị thánh trong tứ bất tử. Trong truyền thuyết dân gian, Nguyễn Minh Không là một nhân vật huyền thoại, xuất hiện với nhiều tình tiết kỳ bí như khi tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc tứ đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông… Hiện nay ở vùng  đất Ninh Bình nói riêng và châu thổ sông Hồng nói chung có rất nhiều đền thờ ông, nhiều địa danh ở Ninh Bình gắn với sự tích về ông như Kẽm Đó, Kênh Gà, Sinh Dược…

 

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng trong động Hoa Lư

          Qua công tác tu bổ, tôn tạo di tích những năm gần đây, động Hoa Lư được đầu tư tôn tạo với quy mô lớn, khang trang. Phía bên ngoài động là cổng đá, bến đỗ xe cho khách thập phương, vượt qua quèn đá gồm 240 bậc uốn lượn thành 9 khúc (hình rồng, tượng trưng cho cho uy quyền của bậc đế vương). Ở vách đá gần quèn ra vào động có tấm bia: “Tôn tạo động Hoa Lư sử thạch bi” dựng năm Đức Long thứ 2 (1630) nói về việc tu sửa đền Thung Lau. Theo thẳng con đường chính đạo lát đá là đến Nghi môn. Nằm ở giữa động là ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và hội đồng văn võ triều Đinh. Chính giữa trên cao có bức đại tự ghi 3 chữ Hán “Hoa Lư động” (Động Hoa Lư) bằng khảm trai. Đền xây trên nền thành bảo xưa. Trong đền người có một tấm biển gỗ khắc bài thơ bằng chữ Hán của Thúc Bào Lã Xuân Oai làm năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức (1871), mô tả quang cảnh động Hoa Lư. Phía sau đền vua Đinh là đền thờ Thánh Nguyễn Minh Không.

         Hàng năm, dịp đầu xuân ở đây diễn ra lễ hội động Hoa Lư (lễ hội đền Thung Lau). Lễ hội tương đối giống lễ hội cố đô Hoa Lư nhưng có quy mô nhỏ hơn, diễn ra vào ngày 8 tháng 10 âm lịch. Động Hoa Lư đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1996.