Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA LỄ HỘI HOA LƯ (LỄ HỘI TRƯỜNG YÊN)

22/10/2019

Lễ hội Hoa Lư hay dân gian còn gọi là lễ hội Trường Yên diễn ra từ ngày mồng 8 - 10 tháng Ba âm lịch hàng năm tại khu di tích Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư nhằm tưởng nhớ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành và các bậc khai quốc công thần của hai triều đại Đinh – Tiền Lê, là sự kế tục, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Lễ hội có các nghi lễ tiêu biểu như:

Lễ mộc dục: Đây là nghi lễ tắm tượng, được tiến hành vào giờ tý của ngày khai hội. Trước khi làm lễ, thủ từ phải làm lễ cáo xin phép vua cho được thực hiện nghi lễ mộc dục và làm lễ gia quan (mặc áo, đội mũ cho tượng).

Lễ rước nước: Đoàn rước nước bắt đầu rước từ đền thờ vua Đinh ra bến Hoàng Long vào buổi sáng ngày khai hội, thường vào giờ Thìn. Đi đầu là người mang cờ ngũ sắc lớn, tiếp đến là phường bát âm, tiếp theo là kiệu bát cống có đặt hương án phủ vải điều, bên trong đặt một chóe nước cỡ lớn. Tiếp đến là những cỗ kiệu song hành, bát cống của các làng. Trên kiệu có hương hoa, nến, quả phẩm. Cạnh mỗi cỗ kiệu là một bô lão đi xin thần sông cho nguồn nước quý. Sau kiệu là đoàn quan khách về tham dự lễ hội. Đến bến sông, kiệu rước chóe nước được đưa xuống thuyền, tiếp đến là sư tử, rồng vàng, phường bát âm. Tới gần điểm xin nước, các thuyền rồng sư tử quay mũi chầu về nơi có cây nêu, nhạc ngừng. Vị chủ tế trịnh trọng đọc bản sớ trình xin nước. Đọc xong sớ, bốn cô gái chưa chồng múc nước sông đổ vào chóe. Khi các cô gái múc nước sông đổ vào bình, tiếng trống nổi lên như để tạ ơn thần sông. Mọi người lễ vái, hoan hỉ rước nước lên kiệu về đền vua Đinh.

Năm 1983, lễ rước nước có một số biến đổi. Đội hình rước nước: Dẫn đầu là đội trống, tiếp đến là ba cỗ lọng lớn, đoàn người mang bát bửu, đoàn người mang cờ tổ quốc, cờ hội.  Trang bị các thuyền trên sông gồm: Cờ hội, cờ phướn, người vận trang phục ngày hội ngồi hai bên mạn thuyền, cầm mái chèo bơi thuyền. Các cụ bô lão với trang phục quần áo dài thụng xanh thắt lưng, mũ cánh chuồn, cầm hai bình sứ cổ, loại bình cỡ trung giao cho các thiếu nữ múc nước. Hai bình nước này có thể biểu hiện cho hai triều đại Đinh và Lê. Thanh la gồm 10 chiếc, mỗi thuyền một chiếc. Khiêng kiệu rước nước là 8 cô gái mặc áo tân thời. Hai bình nước được rước về đặt ở hai bên bệ thờ chính tẩm đền vua Đinh.

Năm 1997, cuộc rước nước diễn ra bề thế long trọng vào khoảng giờ Thìn ngày mồng 9 tháng 3 âm lịch. Đi đầu đoàn rước là kiệu bát cống chở bình sứ đựng nước, tiếp theo là đội rồng sư tử, phường bát âm, các đoàn đại biểu, dân chúng. Đến bờ sông, sư tử rồng vàng xuống thuyền trước, tiếp đến là thuyền chở hương án có đặt một bình sứ cỡ lớn, đoàn trống nhạc bát âm bát bửu… Trên bến sông có rất nhiều thiếu niên đội mũ nghi thức đội, cầm kiếm, cờ lau, đầu chít khăn đỏ tượng trưng cho lớp trẻ thời Đinh Bộ Lĩnh tập trận. Tiếp theo thuyền rồng, sư tử là thuyền chở hương án, có ba cụ bô lão với trang phục hai áo thụng xanh, mộtáo thụng vàng, mũ quan triều, rồi đến thuyền các vị chức sắc, đại biểu, nam thanh nữ tú. Phía trước mỗi thuyền có một thiếu niên chít khăn đỏ thủ rìu giơ cao cây bát bửu sơn son thiếp vàng. Riêng đứng đầu thuyền chở sư tử là một phụ nữ trang phục ngày hội, chắp tay phía trước ngực, đọc những lời khấn tế trước khi tiến hành việc lấy nước sông. Một vị bô lão cầm tờ sớ tấu bên cạnh cây nêu, phía trước là hương án đặt bình sứ làm lễ tấu. Gần đó là các cô gái đốt những tờ tiền vàng mã rồi thả xuống sông. Lúc đó rồng múa uốn lượn thể hiện động tác uống nước cạnh cây nêu, hai cô gái múc nước đổ vào bình sứ. Lúc rước nước trở về, đoàn rước đi theo thứ tự: sư tử ký cầu, trống rước cùng cờ đỏ sao vàng, rồng vàng, cờ phướn, kiệu rước, phường bát âm cử nhạc, đoàn người dự lễ. Khi về đến sân đền vua Đinh, hai bô lão rước bình nước vào cửa đền. Phía trong hai cô gái đỡ bình nước từ tay các bô lão đưa vào nhang án chính tẩm. Ông từ khăn áo chỉnh tề làm nghi lễ thắp hương. Các vị khách lần lượt thắp hương vái vua Đinh.

Lễ rước lửa: Nghi lễ diễn ra vào giờ Thìn ngày 10 tháng 3 âm lịch. Lửa được rước từ cây đèn trong chính tẩm, rước qua sân rồng, ra cổng đền lên núi Mã Yên. Toàn đội rước mặc phỏng theo những túc vệ nhà Đinh: mình trần, ngực đeo tấm giả da, họa tiết da báo, hổ, chân quấn xà cạp xanh, đỏ, đi giày vải. Khi lên đến đỉnh Mã Yên, đoàn rước cầm đuốc đứng trước lăng đọc lời tuyên thệ, thắp hương và trở về đền vua Đinh.

Lễ dâng hương đền vua Đinh: bắt đầu bằng 3 hồi trống đại với 9 tiếng chiêng, phường bát âm cử nhạc, sau đó các vị chức sắc, các đoàn tế lần lượt dâng hương theo nội dung: dâng hương, cúc cung bái, dâng hương tuần đầu, đọc lời chúc bằng chữ Hán, Nôm, chữ Quốc ngữ, cúc cung bái, dâng hai tuần rượu.

Tế nữ quan: là các đoàn tế của địa phương và các nơi khác đến thực hiện các nghi lễ tế tại đền thờ vua Đinh, vua Lê. Đội tế nữ quan thường trên 10 người, mặc quần áo tế, thắt lưng, mũ kim tuyến, chân đi giày, với các vai chánh tế, bồi tế, chấp sự...

Lễ rước kiệu: Đây là nghi thức rước kiệu từ các di tích thờ các nhân vật liên quan đến nhà nước Đại Cồ Việt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình về Cố đô Hoa Lư dự hội. Các đoàn kiệu sẽ rước bát hương thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, các vị hoàng hậu, hoàng tử, công chúa và các vị quan đại thần nhà Đinh, nhà Tiền Lê về đặt trên nhang án trước bái đường đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành từ ngày khai hội đến khi kết thúc Lễ hội (8 đến 10 tháng 3 âm lịch) các đoàn kiệu sẽ đến rước bát hương về di tích thờ phụng như cũ. Đội hình rước kiệu gồm có Trưởng đoàn, kiệu rước bát hương, đội nhạc lễ, đội bát bửu và đại diện nhân dân có di tích. Các thành viên đoàn kiệu vận trang phục truyền thống của dân tộc.

Tế ca Cửu khúc đền vua Đinh: là nghi lễ cổ xưa trong lễ hội Hoa Lư, được tiến hành vào các đêm diễn ra lễ hội. Tế ca Cửu khúc diễn ra tại sân rồng đền vua Đinh, do các bô lão của xã Trường Yên đảm nhận. Do nghi thức diễn ra trong ba ngày nên việc kén người tham dự phải đảm bảo về sức khỏe. Tuy nhiên, nghi thức này đã bị mai một từ sau năm 1945. Đến năm 1994, đội tế nữ quan xã Trường Yên được thành lập, nghi thức tế ca Cửu khúc được khôi phục và được đội tế nữ quan đảm nhận. Năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình đã tiến hành phục dựng nghi thức tế ca Cửu khúc đền vua Đinh do đội tế nam quan đảm nhận.

Nhìn chung, nghi thức tế ca Cửu khúc là chín khúc tấu, ca ngợi công đức vua Đinh Tiên Hoàng được lồng ghép với nghi thức tế lễ truyền thống.

Cờ lau tập trận: Đây là tiết mục diễn xướng dân gian kể về thời niên thiếu vua Đinh, được khôi phục từ năm 1983 sau mấy chục năm vắng bóng. Thành phần tham gia là các em thiếu nhi, chia làm hai nhóm chơi trò tập trận. Kết thúc cuộc tập trận có bài hát:

“Trận bày lọng nón gươm dâu

Cờ lau phấp phới đàn trâu tung hoành

Ba thung mười đạo mười dinh

Tài ba lẫm liệt uy danh lôi đình

Muôn đời chủ soái oai linh

Đến ngày gặp hội thái bình mở mang”.

Tục kéo chữ: Mỗi đội kéo chữ khoảng 50 - 60 người (chủ yếu là nữ thanh niên) mặc đồng phục. Mỗi người chuẩn bị một gậy tre dài 1,5m, quấn giấy màu. Người kéo chữ chân quấn xà cạp đi giày vải, đầu chít khăn. Dẫn đầu là hai lá cờ tiền, sau cùng là hai cờ hậu, gọi là cờ Ngũ hành. Vai trò người cầm cờ tiền là phải thông thạo đường chạy để đoàn quân vào chữ “Thái bình”, “Thịnh Trị”, “Đinh” sao cho khéo.

Tục thổi cơm thi: Các cô gái tham gia cuộc thi “mặc áo thay vai, thắt khăn hoa lý”, đầu chít khăn mỏ quạ, tóc bỏ đuôi gà, quần (váy) lụa nái đen, biết hát trống quân và cò lả. Bắt đầu cuộc thi, mỗi người một tay cầm cần tre có quang treo niêu, một tay cầm bó đuốc vừa đi quanh sân đền vừa hơ lửa nấu cơm, miệng hát. Người đạt giải là người nấu cơm ngon và mau chóng, hát hay và duyên dáng. Tục này đã bị mai một khá lâu, hiện nay vẫn chưa được khôi phục lại.

Lễ hội Hoa Lư kết tinh trong mình giá trị của hàng ngàn năm dựng nước. Lễ hội được hình thành ngay từ khi nhà Lý dời đô về kinh thành Thăng Long. Với chiều dài lịch sử, lễ hội là sự tích hợp những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và truyền thuyết dân gian về vua Đinh Tiên Hoàng. Các nghi thức trong lễ hội chính là sự biểu hiện giữa quá khứ và hiện tại, sự cố kết cộng đồng không chỉ ở một làng một xã, liên làng liên xã mà cả vùng đất Trường Yên (Ninh Bình ngày nay). Lễ hội Hoa Lư có ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc, đó là sự khơi dòng lịch sử với sứ mệnh dựng nước, giữ nước, chấn hưng, phát triển và tự chủ dân tộc.

Phòng Quản lý di sản văn hóa

Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình