Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Chùa và Động Hoa Sơn

22/10/2019

Trong số những di tích liên quan thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, chùa và động Hoa Sơn là một di tích khá đặc biệt, bởi nơi đây tương truyền là nơi nuôi dưỡng ấu chúa Đinh Toàn của nhà Đinh.

          Chùa và động Hoa Sơn thuộc địa phận thôn Áng Ngũ, xã Ninh Hoà, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Vùng đất có di tích nằm ở vị trí tiếp giáp với kinh thành Hoa Lư, ghi dấu nhiều sự kiện gắn liền vơi hai vương triều Đinh Tiền Lê ở thế kỷ X. Chùa còn có tên gọi Phôi Sinh Tự tức là chùa phôi sinh tên gọi này liên quan đến truyền thuyết thời Đinh thế kỷ thứ X. Theo truyền thuyết, chùa là nơi ấu chúa Đinh Toàn (con trai thứ của Đinh Tiên Hoàng) cất tiếng khóc chào đời ở đây nên nhân dân quanh vùng sau này gọi nôm na là chùa Bà Đẻ.

          Di tích là nơi thờ Phật, một trong những tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của người Việt. Ngoài ra trong khuôn viên di tích còn có phủ thờ Mẫu. 


          Di tích chùa và động Hoa Sơn nằm ở lưng chừng dãy núi đá vôi phía tây xã Ninh Hoà. Núi có độ cao chừng 250m. Đây là dãy núi có độ cao vừa phải của vùng núi đá huyện Hoa Lư. Từ chân núi lên trên đỉnh núi có độ dốc thoai thoải chứ không dốc thẳng đứng như nhiều quả núi khác quanh vùng. Từ dưới chân núi leo qua 120 bậc thềm đá là lên tới động. Phía ngoài động (ở dưới cửa động) có phủ thờ mẫu và nhà ở của các vị sư trụ trì, cửa động rộng khoảng 20m, từ mặt nền động lên tới trần động cao khoảng 20m. Động thông suốt từ phía động (cửa động) sang phía tây (sau động) xuyên qua bề ngang núi chùa, không theo một đường thẳng mà hơi uốn lượn với độ dài khoảng hơn 100m. Động chia thành 3 khu vực nhỏ. Phía ngoài tạo thành nơi thờ Phật, phía sau là một hang nhỏ người dân địa phương gọi là hang Hậu. Đường dẫn lên hang Hậu gồm những bậc thềm đá tự nhiên, từ cửa hang Hậu có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn những đồng lúa xanh tươi và dãy Trường Yên trùng điệp. Gió thổi xuyên núi qua động tạo nên không khí thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Tiếp đó hang thu hẹp dần rồi thông sang phía bên kia núi gọi là đường lên trời, phía ngoài của đường lên trời về phía dưới là lên đường xuống âm phủ. Ở phía dưới (bên trái) động thờ Phật có 2 pho tượng bằng đá nét chạm khắc theo lối tả thực, là tượng ông Nguyễn Hữu Non và vợ là Lê Thị Sánh, người có công trong việc trùng tu chùa.

           Thiên nhiên đã kiến tạo cho động đá Hoa Sơn cảnh quan nên thơ với bao hình tích kỳ thú. Trước cửa động là hàng cây cổ thụ cành lá xum xuê, tỏa cho bóng mát. Tới bậc thứ 100 có hòn đá hình “long mã quá quan’’ (tức là long mã đưa khách qua cửa). Hai bên vách đá trong động tạo hóa dàn dựng nên những hình tích kỳ thú, chỗ này là hình đám mây ngũ sắc, chỗ kia là hình rồng bay, phượng múa, hổ phục, voi quần, vân du. Nhưng lý thú hơn cả là ngay lối lên cửa hang hậu có một khối đá hình thể tựa như một ông bụt dáng uy nghi đường bệ mà nhìn lại đôn hậu, hiền từ, đang mỉm cười với dáng vẻ thoải mái trong cuộc đời thanh bạch thanh tao. Đi hết động trông lên có luồng ánh sáng đó chính là lối lên trời. Ở đây, có con sấu đá. Đường lên trời treo leo, cách trở, vịn vách đá, bám thang mây mới lên được.

                                      Vịn vách đá bám thang mây

                             Bước chân cao thấp tỉnh say khó lường

                                      Tiên đưa lối Phật dẫn đường

                             Trần gian mới biết thiên đường là đây

           Chùa và động Hoa Sơn không chỉ là một danh thắng nổi tiếng trong vùng, mà còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của quân và dân ta. Tương truyền, động Hoa Sơn xưa kia là nơi nuôi dưỡng ấu chúa nhà Đinh (Đinh Toàn). Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đây là nơi đồng chí Đỗ Mười đã sống và làm việc. Ngày nay, di tích trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng và du khách thập phương, là nơi diễn ra các hoạt động hội hè, lễ tiết mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Với những giá trị đó, chùa và động Hoa Sơn đã đươc Bộ Văn hóa – thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1998.