Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Chùa Phong Phú Xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư

22/10/2019

Chùa Phong Phú còn được gọi là chùa Phú Gia (lấy tên làng xưa đặt tên cho chùa) tọa lạc tại núi Liên Hoa – ngọn núi đứng độc lập có dáng hình như một đóa hoa sen, thuộc thôn Phong Phú, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư. Núi Liên Hoa có núi Voi chầu lại, có ngòi nước như rồng uốn quanh.

Chùa còn có một tên gọi nữa là chùa Động Liên Hoa, lấy tên núi đặt tên cho chùa. Còn tên hiệu của chùa là “Khúc Mộ Tự” Tên gọi này được ghi trong tấm bia Gia Long thứ 16 (1817) ở chùa. Chùa nằm về phía tây nam xã Ninh Giang, quay theo hướng đông nam. Hang núi Liên Hoa (nơi làm chùa), theo các nhà khảo cổ, đã phát hiện hai chiếc rìu đá có vai, mài nhẵn, có niên đại ở hậu kỳ đồ đá mới, sơ kỳ đồ đồng, cách ngày nay khoảng 4.000 – 5.000 năm. 


          Theo bia ký còn lưu, chùa Phong Phú có từ thời Đinh Tiên Hoàng (thế kỷ X) tên hiệu là Khúc Mộ Tự, Cô Phong Sơn (Chùa Khúc Mộ, núi Cô Phong). Núi Liên Hoa trước đây gọi là núi Cô Phong. Người xưa đa khéo lợi dụng hang động trong lòng núi để làm chùa.

          Hiện nay, đi vào chùa từ hướng đông, qua Tam quan cao to (mới xây), xuống sân gạch rộng dưới chân núi, theo các bậc đá bước lên cao khoảng 5m (theo hướng tây bắc) mới lên đến chùa. Chân núi Liên Hoa rộng và cao hơn nền sân gạch, người dân đã xây nhà Tiền đường 3 gian, dáng cao, kèo moi, hoành vuông, ngói vấy. Tiền đường này như chắn che lấp cửa hang. Gian bên phải Tiền đường thờ tượng Đức Ông ngồi trong ngai. Gian bên trái Tiền đường thờ tượng Ngọc Hoàng ngồi trong ngai. Gian giữa có cửa đi vào trong hang. Bên trái Tiền đường là Phủ Mẫu, kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” (Hán tự), gồm 3 gian Bái đường và một gian Hậu cung, nền của Phủ cao hơn Tiền đường, cũng có dáng cao, hoành vuông, ngói vẩy như Tiền đường. 


          Giữa hai hồi Tiền đường của chùa và Phủ là lối vào Phật điện, tức là vào trong hang nằm ở trong núi Liên Hoa. Đứng ở dưới sân chùa nhìn lên, chỉ thấy hai dãy nhà nền cao thấp không thấy cửa hang. Qua Tiền đường vào hang, ở phía ngoài cửa hang có hai khối đá to cao chắn về phía đông, nên lối đi vào về phía tây chỉ rộng có 1,8m. Bên trái ngoài cửa hang dựng 5 tấm bia đá và 2 tấm bia khắc vào vách núi, có niên đại từ thời Lý đến thời Nguyễn. Riêng tấm bia khắc năm Hồng Phúc thứ 2, đời vua Lê Anh Tông (1558) cho biết năm này Mỹ Quận Công Bùi Văn Khuê đã đến thăm và cho tu sửa lại chùa.

          Cửa hang rộng, cao, có hình như nửa vầng trăng. Vào trong thấy ở hai bên thành hang gần sát nền có 18 bức chạm trên đá “thập bát La Hán ” (18 vị La Hán). Những bức chạm khắc này mang phong cách nghệ thuật thời Lý, đặc biệt cổ xưa và hiếm có.


           Hang rộng, sâu và cao, xây bệ ở trong cùng, đặt các tượng Phật từ trên cao xuống thấp như các ngôi chùa khác. Đi vào trong nữa, thấy một cửa hang hẹp, thấp, muốn vào phải cúi đầu. Trong hang nhỏ này có một nhũ đá dài từ trên cao chảy xuống ngăn thành hai lớp, cao hơn 25m. Hang này gọi là tòa Diêm vương, ở đây đặt 9 pho tượng tượng trưng nơi điện diêm vương bằng đá sơn son thếp vàng, ở giữa, là tượng Diêm vương cao to như người thật tay phải cầm viên ngọc, tay trái để lên đùi. Các pho tượng khác cao 1m20, có tượng cầm vồ, có tượng cầm búa và có tượng đầu trâu mặt ngựa. Phía bên trái hang còn có một tượng cũng cao to như người thật, đội mũ kiểu nhà sư, đó là tượng thánh Trấn.

          Trong hang còn có một bệ thờ thời Lý. Bệ thờ cao 45cm, bề mặt gần hình vuông, mỗi chiều 40cm, xung quanh được chạm hình sóng nước. Ba đợt sóng chạm khá đẹp, có ngọn sóng chính, có ngọn sóng phụ đang dập dình dâng lên làm cho ta có cảm giác các đợt sóng đang dâng lên tầng tầng, lớp lớp để đến đỉnh.


Điều đặc biệt nữa, sau Tòa diêm vương còn có một hang ngang rộng, đi lui về phía đông lại có một ngách hang dài nữa chạy thẳng thông sang phía bắc núi, là hang xuyên núi. Như thế toàn bộ khu thờ Phật (Thượng điện) là hang núi rộng. Nền của hang phẳng, được lát gạch hoa đẹp và sạch. Chùa chính là một kỳ công của tạo hóa, luôn trường tồn, vững chãi theo thời gian mà chưa hề phải trùng tu, đại tu.

          Tháng 3 năm 1947, chùa Phong Phú là nơi kết nạp Đảng viên mới của Chi bộ Đảng Trung Sơn. Đỉnh núi Liên Hoa, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là viễn vọng đài của dân quân du kích. Năm 1950, hang Chùa Phong Phú là nơi sơ tán của Tỉnh ủy Ninh Bình. Năm 1953 hang chùa cũng là trụ sở của Ban chỉ huy Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hang Chùa Phong Phú lại là trụ sở của Công đoàn tỉnh Ninh Bình, còn là địa điểm diễn ra các cuộc họp, hội nghị của huyện và tỉnh.

          Với những giá trị nổi bật đó, chùa Phong Phú đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1997.