Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA LIÊN QUAN NHÀ NƯỚC ĐẠI CỒ VIỆT Ở NINH BÌNH

22/10/2019

1.

Di tích lịch sử - văn hóa là một loại hình tài sản, chứa đựng những giá trị cô đọng của một giai đoạn lịch sử nhất định, của một cộng đồng, dân tộc, một vùng miền, đất nước. Di sản văn hóa nói chung và hệ thống di tích lịch sử - văn hóa nói riêng là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Di tích là những bằng chứng vật chất có ý nghĩa quan trọng, minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Di tích giúp cho con người biết được cội nguồn của dân tộc mình, hiểu về truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hoá của vùng miền/đất nước và do đó có tác động ngược trở lại tới việc hình thành nhân cách con người hiện đại.

Ninh Bình là một tỉnh phía nam đồng bằng Bắc Bộ với địa hình vừa có đồng bằng, vùng đồi núi, sông biển, là một vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ rất sớm. Dân số hiện nay hơn 90 vạn người, diện tích đất tự nhiên là 1400km2, bao gồm 8 huyện, thành phố. Ở từng khu vực địa lý hành chính đều dày đặc các dấu ấn văn hoá truyền thống được thể hiện ở các công trình kiến trúc như đình, đền, chùa, miếu, phủ, lăng mộ, từ đường, các làng nghề thủ công truyền thống... và những phong tục, tập quán, lễ hội dân gian. Theo kết quả tổng kiểm kê di tích trên địa bàn, hiện nay tỉnh Ninh Bình có 1499 di tích được phân bố đều khắp 146 xã, phường, thị trấn. Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 352 di tích đã được xếp hạng, gồm 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 2 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt là Cố đô Hoa Lư và Khu hang động Tràng An - Tam Cốc, Bích Động), 271 di tích cấp tỉnh, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

2.

Kinh đô Hoa Lư xưa là một trung tâm chính trị - văn hóa, có vai trò lịch sử đặc biệt khi gắn với tên tuổi và sự nghiệp 3 vị vua khai sáng 3 triều đại với những chuyển biến trọng đại của dân tộc Việt Nam: thống nhất đất nước, chống giặc ngoại xâm và hình thành thủ đô mới Thăng Long - Hà Nội. Người Ninh Bình luôn tự hào được sinh ra trên mảnh đất cố đô văn hiến. Nét đẹp tinh hoa văn hóa Hoa Lư cũng được kế thừa và phát triển suốt các thời kỳ. Dù không còn là kinh đô, nơi hội tụ những tinh hoa của dân tộc nữa nhưng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với nhà nước Đại Cồ Việt vẫn còn đó trên đất Ninh Bình. Bên cạnh các di tích, dấu tích, địa điểm liên quan đến kinh đô Hoa Lư xưa, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện còn nhiều di tích là cơ sở thờ tự liên quan đến các nhân vật, sự kiện thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt, nằm trong mạch nguồn chung của tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc của nhân dân ta.

          Theo thống kê, điều tra chưa đầy đủ hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh hiện có 72 di tích liên quan nhà nước Đại Cồ Việt, trong đó có 45 di tích đã xếp hạng, gồm 21 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 24 di tích xếp hạng cấp tỉnh, nhiều di tích có giá trị nổi bật cả về giá trị, quy mô như Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn), động Hoa Lư (xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn), đình Mỹ Hạ (xã Gia Thủy, huyện Nho Quan), chùa Tháp (Vĩnh Báo Tự, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô), nhà thờ và mộ Nguyễn Bặc…

          - Các di tích liên quan nhà nước Đại Cồ Việt ở Ninh Bình đa dạng về loại hình, cả di tích tín ngưỡng, tôn giáo và địa điểm lịch sử, gồm 35 đền, 25 đình, 6 chùa, 02 lăng mộ, 02 nhà thờ, 02 bia đá.

          -Ngoài các di tích liên quan đến địa điểm thuộc phạm vi kinh đô Hoa Lư xưa, đa số các di tích đều thờ cúng các nhân vật thuộc thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt như vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, các tướng quân thời nhà Đinh, các tướng quân thời Tiền Lê, Hoàng hậu/Thái hậu Dương Vân Nga, các ông hoàng bà chúa, các nhân vật thời kỳ Đinh và Tiền Lê.

          Về các nhân vật thờ cúng thời Đinh, vua Đinh Tiên Hoàng được thờ tự ở 13 di tích. Ngoại giáp Đinh Điền (thờ chung cùng vua Đinh và tứ trụ triều Đinh, thờ chung cùng phu nhân – Thượng Trân trưởng công chúa, Kiều Mộc thiền sư) có 11 di tích thờ cúng; Định Quốc công Nguyễn Bặc (thờ riêng, thờ chung cùng vua Đinh, tứ trụ triều Đinh) thờ cúng tại 10 di tích, Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ thờ cúng ở 3 di tích (thờ riêng, thờ chung tứ trụ triều Đinh), Tướng quân Trịnh Tú – 03 di tích (thờ riêng, thờ chung tứ trụ triều Đinh), các nhân vật thờ cúng tương truyền là tướng quân triều Đinh, quan thái giám có đến 21 di tích thờ cúng (như Lịch Lộ Đại vương, Cao Sơn – Cao Các, Tả hữu Thái giám, Vận Dần Đại vương, Lê Du  Lê Chương…); Có 03 nơi thờ các nhân vật liên quan (công chúa Phất Kim, Ưu bà Phạm Thị Trân, bà mụ đỡ đẻ vua Đinh).

          Về các nhân vật thời Tiền Lê, vua Lê Đại Hành được thờ cúng ở 11 di tích (thờ riêng, thờ chung), Thái úy Phạm Cự Lượng có 02 di tích thờ cúng (thờ riêng, thờ chung), Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn được thờ ở 02 di tich (thờ chung), các hoàng tử của vua Lê Đại Hành – 02 di tích, Quốc sư Ngô Khuông Việt – 01 di tích.

          Thái hậu Dương Vân Nga được thờ cúng tại 08 di tích (thờ chung cùng vua Lê Đại Hành), có 02 di tích thờ chung vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành (Đình làng Yên Trạch, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư; đình làng Trung Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư), 06 di tích khác có liên quan thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt.

          - Về địa bàn phân bố, các di tích liên quan thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt trải đều các huyện, thành phố trong tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu ở huyện Hoa Lư (vùng kinh đô Hoa Lư xưa) – 26 di tích; sau đó đến các huyện Yên Khánh – 13 di tích, huyện Gia Viễn – 11 di tích, huyện Yên Mô – 10 di tích, huyện Nho Quan – 9 di tích; thành phố Ninh Bình – 09 di tích, huyện Kim Sơn – 02 di tích.

          Qua nghiên cứu, có thể thấy hệ thống di tích lịch sử văn hóa liên quan thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có một số đặc điểm sau:

          1- Hệ thống di tích liên quan nhà nước Đại Cồ Việt ở Ninh Bình đa dạng, phong phú về loại hình. Bên cạnh nhiều di tích, địa điểm khảo cổ liên quan đến kinh đô Hoa Lư từ thế kỷ thứ X (trong vùng bảo vệ di tích cấp quốc gia đặc biệt – Cố đô Hoa Lư), trên địa bàn tỉnh còn nhiều di tích thờ cúng các nhân vật, ghi dấu các địa điểm lịch sử liên quan đến nhà nước Đại Cồ Việt. Trong đó, nhiều nhất là các ngôi đền (thờ các nhân vật lịch sử liên quan), các ngôi đình làng (các nhân vật lịch sử thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt được thờ cúng với tư cách là Thành hoàng làng), thể hiện vị trí quan trọng của các nhân vật lịch sử thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt, các vị “sinh vi danh tướng tử vi thần” trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của cư dân Ninh Bình. Bên cạnh đó, còn có các ngôi chùa, nổi bật như chùa Nhất Trụ, chùa Tháp, chùa Ngần… thể hiện vai trò của Phật Giáo trong đời sống chính trị - xã hội thời Đinh và Tiền Lê.

          2- Hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Ninh Bình có giá trị lịch sử văn hóa cao, kết tinh văn hóa truyền thống dân tộc. Các di tích liên quan nhà nước Đại Cồ Việt ở Ninh Bình hầu hết thờ cúng các nhân vật lịch sử thời Đinh và Tiền Lê, ghi dấu các sự kiện và địa điểm lịch sử liên quan. Thời Đinh, có nhiều di tích thờ cúng hơn cả. Vua Đinh, được các triều đại phong kiến sắc phong Thượng đẳng thần được thờ cúng ở nhiều nơi trong tỉnh. Các di tích thờ cúng Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền cũng chiếm số lượng lớn hơn. Đáng chú ý, Đô hộ phủ sĩ sư Lưu Cơ và Trịnh Tú, hai trong số bốn vị quan đầu triều thời Đinh (“tứ trụ triều đình”), ngoài các di tích thờ chung với vua Đinh Tiên Hoàng, di tích thờ chung bốn vị, thì chỉ mới chỉ xác định được mỗi vị 01 nơi thờ cúng chưa tìm được minh chứng rõ ràng (đều theo truyền miệng) ở xã Liên Sơn, huyện Gia Viễn (xưa thuộc tổng Uy Viễn, căn cứ buổi đầu của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh). Ngoài ra, còn nhiều vị tương truyền là tướng quân thời Đinh được nhân dân thờ cúng, tiêu biểu là vị thần được các triều đại phong kiến sắc phong với danh vị Lịch Lộ Đại Vương, được thờ cúng ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh.

          Có những di tích thờ cúng chung cả vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, thể hiện vị trí của hai vua trong đời sống tâm linh của hai vua.

          3- Hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Ninh Bình phân bố rộng, đều khắp các huyện, thị xã, thành phố, có mật độ cao. Nhưng do điều kiện lịch sử, các di tích phần nhiều tập trung tại các khu vực gắn với cuộc đời, sự nghiệp và các sự kiện lịch sử liên quan nhà nước Đại Cồ Việt.

          Đó là hệ thống các di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng. Từ hệ thống các di tích nơi ông sinh ra, ở vùng Đại Hữu xưa, như Đền thờ Đinh Tiên Hoàng, lăng Phát Tích, núi Kỳ Lân (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn); lại có thuyết cho rằng ông sinh ra ở Đề Cốc, ghi dấu bởi các di tích như đình Mỹ Hạ, miếu Long Viên – tương truyền xưa hai mẹ con Đinh Bộ Lĩnh ẩn náu thuở thiếu thời, đền Cầu Mổ - thờ bà đỡ vua Đinh). Khu vực tổng Uy Viễn xưa, nay là các xã Gia Hưng, Liên Sơn – huyện Gia Viễn, một phần xã Gia Thủy huyện Nho Quan là nơi Đinh Bộ Lĩnh khởi binh buổi ban đầu, là căn cứ của sứ quân, ghi dấu bởi các di tích thờ cúng vua Đinh như Động Hoa Lư, đình Trai, đình Hàng Tổng, đình Bình Khang, đình Ngọc Nhị… Khu vực Cố đô Hoa Lư, là nơi vua Đinh chọn lập đô còn để lại nhiều di tích với mật độ dày đặc hơn cả.

          Định Quốc công Nguyễn Bặc, vị khai quốc công thần nhà Đinh, được thờ cúng nhiều nhất tại vùng Thanh Khê, Ngô Khê (xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư), tương truyền là quân doanh của ông khi xưa, với các di tích đền Hành Khiển, đình Ngô Khê Thượng, Ngô Khê Hạ, Thanh Khê Hạ… đều thờ cúng ông với vai trò thành hoàng làng. Bên cạnh đó, còn có các di tích ghi dấu trận chiến giữa Nguyễn Bặc và Lê Hoàn như Đền Hiềm (phường Phúc Thành), chùa Đẩu Long (phường Tân Thành – thành phố Ninh Bình).

          Ngoại giáp Đinh Điền, một lòng trung thành với nhà Đinh, sau khi Lê Hoàn lên nắm triều chính, đã về vùng Yên Xuyên (vốn là quê mẹ của ông) để lập căn cứ, từ đó tiến đánh Lê Hoàn, đã được ghi dấu lại bằng một di tích thờ cúng ông ở vùng này, ven hai bờ sông Vạc, thuộc các xã Khánh Thịnh, Khánh Dương – huyện Yên Mô và Khánh An, Khánh Vân – huyện Yên Khánh, như chùa Tháp (Vĩnh Báo Tự), đền Tam Thánh và chùa Yên Lữ, đền làng Phú Mỹ… Ông thường được thờ cùng phu nhân là Thượng Trân trưởng công chùa và Kiều Mộc thiền sư – được gọi là Tam Thánh, các di tích đa phần đều gồm đền thờ ba vị và chùa liền kề, nói lên xưa kia ông đã nương náu nơi cửa Phật chờ thời đợi thời cơ khởi binh chống Lê Hoàn, khôi phục nhà Đinh.

          Vua Lê Đại Hành gắn bó với mảnh đất Ninh Bình trên cương vị là vị vua khai sáng triều đại Tiền Lê và công cuộc kháng Tống bình Chiêm ghi danh sử sách. Vì vậy, bên cạnh các di tích thờ cúng ở Cố đô Hoa Lư (đền vua Lê, các phủ Kính Thiên, phủ Đông Vương thờ các hoàng tử), thì đa số các các di tích thờ cúng vua Lê Đại Hành đều tập trung vào các địa điểm liên quan đến các căn cứ, tuyến đường ông tiến quân trong cuộc kháng chiến chống quân Tống và bình định Chiêm Thành, như đền Đồng Bến (phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, ghi dấu cảng Phúc Thành) – ghi dấu nơi ông xuất thủy binh đi đánh giặc Tống; đền Nội (thị trấn Yên Ninh), đền Thượng Ngọc Lâm, đền Quảng Phúc (huyện Yên Mô) – nằm trên tuyến đường thủy tiến quân đi đánh Chiêm Thành xưa.

          Như vậy, có thể thấy, các di tích liên quan nhà nước Đại Cồ Việt ở Ninh Bình, bên cạnh là minh chứng vật chất về Cố đô Hoa Lư xưa, còn thể hiện tấm lòng biết ơn, uống nước nhớ nguồn của người dân Ninh Bình đối với các vị anh hùng có công dẹp loạn, chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước ở thế kỷ thứ X dưới thời hai triều đại Đinh và Tiền Lê. Đó còn là niềm tự hào với truyền thống của quê hương, nhắc nhớ và giáo dục các thế hệ người Ninh Bình về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, diễn ra trên đất Ninh Bình. Niềm tự hào ấy, lòng biết ơn ấy còn theo dấu chân họ đến những vùng đất mới, thể hiện qua tập tục di dân di thần, như dân làng Yên Lâm đi khai hoang lập ấp ở vùng đất mới Kim Sơn, dân làng Trường Yên đi lập ấp ở Trung Trữ cũng thờ cúng các vị Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Dương Vân Nga như khi còn ở quê cũ.

3.

          Trong những năm qua, cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh, các di tích liên quan nhà nước Đại Cồ Việt ở Ninh Bình đã được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tốt. Ngành Văn hóa tỉnh đã tiến hành kiểm kê các di tích nhiều đợt, bước đầu phân loại, đánh giá giá trị ban đầu. Các di tích có giá trị tiêu biểu đã được xây dựng hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng, làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị. Hiện có 45 di tích liên quan nhà nước Đại Cồ Việt đã được xếp hạng, gồm 21 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 24 di tích xếp hạng cấp tỉnh, trong đó, di tích Cố đô Hoa Lư được xếp hạng cấp quốc gia đợt đầu tiên của cả nước, năm 1962; được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt năm 2012. Các di tích đã xếp hạng đều thành lập Ban quản lý di tích, được khoanh vùng bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hầu hết các di tích liên quan nhà nước Đại Cồ Việt trên địa bàn tỉnh được nhân dân, các cấp chính quyền địa phương quan tâm giữ gìn, bảo vệ, trùng tu tôn tạo trong thời gian qua, giữ được cảnh quan kiến trúc và yếu tố nguyên trạng. Nhiều di tích được tiến hành tu bổ quy mô lớn. Hiện nay, tỉnh đang tiến hành tu bổ  toàn diện 10 di tích với nguồn vốn nhà nước. Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử liên quan nhà nước Đại Cồ Việt trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm thực hiện tốt. Tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình truyền thông giới thiệu các di tích, đồng thời khai thác giá trị các di tích trong phát triển hoạt động du lịch. Nổi bật như tại Cố đô Hoa Lư, động Hoa Lư, Quần thể danh thắng Tràng An… Sự phát triển của du lịch tác động trực tiếp vào việc chấn hưng, bảo tồn và quảng bá giá trị các di tích nói trên. Một phần doanh thu của các hoạt động du lịch được sử dụng cho việc tu bổ các di tích, đồng thời khôi phục các di sản văn hóa phi vật thể liên quan. Góp phần tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng và bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích liên quan nhà nước Đại Cồ Việt ở Ninh Bình vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Số lượng di tích khá nhiều, mặc dù đã được Nhà nước tăng mức đầu tư tu bổ và tôn tạo hàng năm thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, từ nguồn ngân sách hỗ trợ chống xuống cấp của tỉnh, nhiều di tích được đầu tư tu bổ lớn, đảm bảo tính bền vững lâu dài nhưng vẫn còn nhiều di tích chưa được tu bổ, đang nằm trong tình trạng báo động về sự  xuống cấp và có nhu cầu cấp thiết cần được tiếp tục đầu tư (như đình Ngô Khê Thượng, đền Thượng Ngọc Lâm, đình Mỹ Hạ…), thiếu quy hoạch khảo cổ học, quy hoạch bảo tồn hệ thống di tích một cách tổng thể. Hoạt động du lịch có thể vô tình hay hữu ý có lúc có nơi làm cho môi trường cảnh quan của di tích bị vi phạm hoặc ảnh hưởng. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn sách và các tài liệu khác (phim tài liệu, phim truyện lịch sử, hội thảo khoa học…) về danh nhân, di tích chưa được quan tâm đầu tư bài bản, làm thiếu hụt tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về giá trị các di tích.

Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích liên quan nhà nước Đại Cồ Việt trên địa bàn. Cần đưa công tác này trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác, là một phần trong kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cần có sự tham gia tích cực của các cộng đồng dân cư địa phương, sự chung tay góp sức của các tầng lớp xã hội, tích cực thực hiện xã hội hoá công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đem lại lợi ích cho việc quản lý, bảo tồn di tích và lợi ích của cộng đồng. Góp phần giữ gìn và quảng bá các giá trị lịch sử, văn hóa thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt, phát huy những giá trị, truyền thống đó, biến thành sức mạnh, góp phần thực hiện xây dựng văn hóa và con người Ninh Bình trong thời kỳ mới./.

Nguyễn Xuân Trường

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình