Chào mừng bạn đến với Website Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình

Tục ăn trầu và những “Ông” bình vôi lưu giữ tại Bảo tàng Ninh Bình

22/10/2019

    Người Việt Nam thường có câu “miếng trầu là đầu câu truyện”, chẳng thế mà từ ngàn đời nay, miếng trầu, quả cau vẫn gắn liền với những sự kiện trọng đại của cuộc đời một con người, từ lúc nên duyên chồng vợ, đến khi về với tổ tiên. Hẳn ai đã từng ăn trầu hoặc tìm hiểu về tục ăn trầu của người Việt đều không xa lạ gì với chiếc bình vôi, mà ở một số nơi người ta còn trịnh trọng đặt cho nó một giới tính mạnh mẽ – ông bình vôi.

    Tục ăn trầu của người Việt đã có từ thời Hùng Vương dựng nước, gắn liền với sự tích trầu cau – một câu chuyện cảm động về tình cảm anh em, vợ chồng. Giáo sư Trần Quốc Vượng trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam cũng khẳng định “Phong tục tập quán của người Đông Sơn cũng rất đa dạng ví như tục nhuộm răng ăn trầu, xăm mình, ăn đất nung non, uống nước bằng mũi, giã cối làm lệnh, tục ma chay, cưới xin…”. Và, trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, trước những cưỡng bức và giao thoa văn hóa với Trung Hoa và Ấn Độ, người Việt vẫn giữ cho mình phong tục có từ thời Đông Sơn dựng nước đó. “Cùng với phong tục dùng trống đồng, nhiều tục lệ cổ truyền khác vẫn được giữ vững như tục cạo tóc hay búi tóc, xăm mình, chôn cất người chết trong quan tài hình thuyền hay thân khoét rỗng, tục nhuộm răng, ăn trầu cau… Theo Nam châu bát quái quận chíNam phương thảo mộc trạng, người Nam khi cưới xin hoặc tiếp đãi khách khứa trước hết là dùng trầu cau; nếu khi gặp nhau mà không mời trầu, người ra sẽ oán giận nhau”. Cho đến ngày nay, trải bao thăng trầm lịch sử, trải bao biến cố chiến tranh, dẫu không còn nhiều người ăn trầu như trước thì những sự kiện quan trọng của đời người, miếng trầu quả cau vẫn là những thứ không thể thiếu. Việc cúng tổ tiên theo tuần tiết hay những việc trọng đại, người ta vẫn sắp lễ trầu cau.

    Vì tục ăn trầu rất phổ biến nên trước đây, bình vôi là một loại đồ gia dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam dù to dù nhỏ, dù bằng đất nung, bằng sành sứ hay kim loại, dù đẹp, dù xấu, dù trang trí cầu kỳ hay đơn giản. Hình dáng của bình vôi thường là tròn, có lỗ làm miệng để lấy vôi, có quai xách. Theo thời gian khi lớp vôi trong bình dày lên, bám chặt vào thành bình, cứng dân vào không thể nạo ra khiến miệng bình hẹp dần thì người ta mang đặt ở gốc cây cổ thụ trong làng thay vì vứt bỏ. Trong những dịp lễ tết cổ truyền, người Việt cũng thắp hương cúng bái, bình vôi được đặt cho cái chức danh quan trọng là Ông bình vôi. Vào ngày rước dâu, trước khi con dâu về nhà chồng, mẹ chồng thường cầm bình vôi lánh sang nhà hàng xóm ít phút trong khi con dâu bước vào nhà. Người ta cho rằng, khi con dâu về nhà chồng, mẹ chồng sẽ giao cho con dâu cai quản mọi việc trong gia đình nhưng không hoàn toàn là trao hết, mà vẫn giữ lại quyền điều hành lớn nhất. Chiếc bình vôi là một biểu tượng quyền lực của người phụ nữ - nội tướng trong gia đình.

    Trong gian trưng bày “Ninh Bình thời Lý, Trần, Lê” tại bảo tàng Ninh Bình có một sưu tập nhỏ gồm 7 bình vôi có niên đại từ thời Trần (thế kỷ XII – XIII) đến thời Lê (thế kỷ XIV – XVIII). Sưu tập được trưng bày theo hình tròn ở giữa là chiếc bình vôi có kích thước lớn nhất, xung quanh là 6 chiếc có kích thước nhỏ hơn. Những chiếc bình vôi có hình dáng gần giống nhau, hình tròn, có chân đế, trên thân có một lỗ nhỏ để lấy vôi, có quai xách hình vòng cung, trang trí chủ yếu ở phần quai xách ở chỗ đắp nối giữa quai xách và thân các hình râu cau, hình chùm cau, hình cầu khắc vạch ngang hoặc dọc.

 

(Sưu tập bình vôi trưng bày tại bảo tàng Ninh Bình)

    Trong số 7 chiếc đó có 4 chiếc niên đại Lý Trần (thế kỷ XII – XIII) được tráng men trắng hoặc men nâu da rạn, trang trí ít và đơn giản đặc trưng của gốm thời kỳ này. Ba chiếc còn lại có men ngọc da rạn, trang trí cầu kỳ hơn với hình trầu cau cách điệu, độ nung tốt, được xác định là gốm thời Lê (thế kỷ XIV – XVIII).

    Sưu tập bình vôi được trưng bày trong gian trưng bày Ninh Bình thời Lý, Trần, Lê của bảo tàng Ninh Bình nhằm giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán của người dân Việt Nam nói chung, nhân dân Ninh Bình nói riêng trong những thế kỷ XII đến XVIII.

Lê Thị Vân Trang

Bảo tàng tỉnh Ninh Bình